Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng

Quốc tế
11:27 AM 30/08/2023

Khủng hoảng kép do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã khiến nhiệt độ tăng vọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Tháng 7/2023 được ghi nhận là tháng nóng nhất trên toàn cầu.

Ở châu Âu, thống kê hơn 60.000 người đã tử vong vào năm ngoái vì các bệnh liên quan đến nhiệt độ, trong đó một số quốc gia thậm chí đã áp dụng hệ thống đặt tên cho các đợt nắng nóng tương tự với hệ thống đặt tên cho các cơn bão. Chẳng hạn như Hiệp hội Khí tượng Ý đã đặt tên cho đợt nắng nóng gần đây là "Cerberus", theo tên con chó săn 3 đầu canh giữ cổng địa ngục trong bộ phim "Inferno" của Dante.

Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng - Ảnh 1.

Các vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố đông dân, nơi "hiệu ứng đảo nhiệt đô thị" có thể dẫn đến hiện tượng khí hậu nóng hơn khoảng 10 độ C (18 độ F) so với các khu vực xung quanh. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1800 ở những khu vực tập trung nhiều tòa nhà bê tông hấp thụ nhiệt, bề mặt nhựa đường và thiếu không gian xanh.

Nhiều thành phố du lịch trên thế giới đã ý thức được nguy cơ của sự nóng lên toàn cầu trong nhiều thập kỷ nên đã áp dụng nhiều giải pháp chống nóng chủ yếu dựa trên các nguyên tắc thiết kế đã được thử nghiệm nhiều năm.

Trồng cây và không gian xanh

Một tán cây xanh khỏe mạnh là một trong những biện pháp ứng phó hiệu quả nhất trước hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, tìm nơi trú ẩn dưới gốc cây có thể cảm thấy mát hơn từ 11 đến 25 độ C (20 đến 45 độ F) so với đứng dưới ánh nắng trực tiếp. Ngoài việc cây xanh cho bóng mát, một quá trình gọi là "thoát hơi nước", trong đó nước chuyển từ thực vật và đất vào khí quyển, cũng giúp làm mát các khu vực xung quanh lên đến 5 độ C (9 độ F).

Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng - Ảnh 2.

Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) đặt ra "Kế hoạch tổng thể về cây", mục tiêu phủ rộng 30% diện tích đất bằng nhiều loại cây có khả năng chống chịu khí hậu vào năm 2037.

Hiện tại, thành phố đã trồng cây sồi holm, cây thông Aleppo, cây tiêu huyền, cây bách và các loài cây khỏe mạnh khác thành hàng dọc trên các con phố, nhiều con đường trước đây rất trống trải đã được biến thành quảng trường công cộng rợp bóng cây.

Phun sương làm mát

Nhiều thành phố của Trung Quốc như Vũ Hán và Trùng Khánh, nơi có nhiệt độ lên tới 45 độ C (113 độ F) vào năm trước, đã lắp hệ thống làm mát phun sương ở các trung tâm thương mại, công viên và bến xe bus.

Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng - Ảnh 3.

Theo Tổ chức tư vấn môi trường của China Dialogue, để làm dịu thêm nhiệt độ, thành phố còn bổ sung thêm các đội "khẩu pháo sương mù", loại xe tải tiện ích có trang bị máy phun nước áp suất cao, đã hoạt động khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc kể từ năm 2014.

Mặc dù ban đầu, những khẩu pháo phun sương này được dùng chủ yếu để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí nhưng một nghiên cứu gần đây của Đại học Seoul cho thấy, việc phun các hạt nước mịn có thể làm giảm nhiệt độ môi trường tới 7%, đặc biệt nếu các vòi phun sương được đặt ở các góc tối ưu.

Trong khi đó, thủ đô Vienna của Áo đã trang bị vòi phun nước uống, vòi sen phun sương và hệ thống phun nước thông minh tự động kích hoạt khi nhiệt độ tăng trên 35 độ C (95 độ F) tại 22 khu vực được gọi là "đường phố mát mẻ".

"Bung" mái hiên

Mái hiên là một tấm chắn thời tiết đơn giản đã lỗi thời so với kiến trúc đương đại ngày nay. Tuy nhiên trong bối cảnh các thành phố tìm kiếm các biện pháp đối phó với nắng nóng khắc nghiệt hiện tại thì mái che lại có tác dụng đáng kể.

Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng - Ảnh 4.

Thành phố Seville của Tây Ban Nha gần đây đã mở rộng mạng lưới các mái hiên bạt lớn để che chắn cho nhiều trạm trung chuyển, sân chơi, trường học và bệnh viện.

Hay thành phố Tel Aviv (Israel) đã sử dụng một loạt mái che được làm bằng LumiWeave - một loại vải "thông minh" gắn pin mặt trời, được lắp đặt tại khu thương mại của thành phố. Được phát triển bởi nhà thiết kế sản phẩm người Israel Anai Green, mái hiên lưu trữ năng lượng mặt trời có tác dụng làm mát vào ban ngày, sau đó được sử dụng để cung cấp năng lượng cho đèn LED vào buổi tối.

Sơn trắng mái nhà và vỉa hè

Nhiều người dân trên các hòn đảo ở Hy Lạp đã sơn màu trắng cho mái nhà và các tòa nhà như một cách bảo vệ khỏi nắng nóng dễ dàng và tương đối ít tốn kém trước mùa hè nóng bức. Cách làm này dựa trên nguyên lý "hiệu ứng suất phản chiếu". Một công trình có mái trắng phản chiếu khoảng 85% ánh sáng mặt trời trực tiếp so với mái nhà tối màu chỉ phản chiếu khoảng 20%.

Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng - Ảnh 5.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Purdue của Mỹ tuyên bố đã phát triển một loại sơn "siêu trắng" có thể phản chiếu 98% ánh sáng mặt trời và hạ nhiệt độ bề mặt của tòa nhà so với môi trường xung quanh gần 20 độ F vào ban đêm (hoặc 8 độ F khi có ánh nắng mạnh).

Tại Los Angeles, Cục Dịch vụ Đường phố tại Los Angeles (Mỹ) trong những năm gần đây đã sơn các con đường bằng một lớp phủ phản chiếu màu trắng xám có tên CoolSeal.

Sử dụng vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống

Ngày càng có nhiều kiến trúc sư và nhà đô thị học lựa chọn sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên, kỹ thuật xây dựng truyền thống và các vật liệu như gạch bùn cách nhiệt đã được sử dụng hàng thiên niên kỷ bởi những người sống ở vùng khí hậu nóng.

Cách các thành phố lớn ứng phó với nắng nóng - Ảnh 6.

Kiến trúc sư đạt giải thưởng kiến trúc Pritzker, Francis Kéré, đã tạo ra cảm giác thoáng mát thông qua việc sử dụng đất sét, đá ong, cành bạch đàn và gỗ mục một cách sáng tạo. Các tòa nhà hay trường học do ông Kéré thiết kế tại quê hương Burkina Faso cho thấy cách xây dựng không gian thoải mái trong thời tiết cực kỳ nóng mà không cần điều hòa.

Ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ, Viện Trái đất Auroville cũng được xây dựng theo kiến trúc “bản địa” đang phát triển này. Trong gần bốn thập kỷ, trung tâm nghiên cứu đã cộng tác với các kiến trúc sư và nhà xây dựng trên khắp thế giới quan tâm đến việc xây dựng các công trình tiết kiệm và ít carbon từ bùn và đất nén. So với bê tông, kính và thép, gạch đất truyền thống có khả năng hấp thụ nhiệt và độ ẩm nhiều hơn.


An Mai (Theo CNN)
Ý kiến của bạn