Cách nào ghìm đà tăng của giá xăng dầu?
Trước việc giá xăng dầu trong nước liên tục “leo thang”, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các công cụ bình ổn giá, cơ quan điều hành cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm hạ nhiệt mặt hàng này.
Tác động của đà tăng giá xăng dầu
Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 45%-48%, khiến giá xăng dầu trong nước cũng theo đà đi lên.
Sau 5 lần tăng, giá xăng hiện đã tiến sát 25.000 đồng/lít, còn giá dầu lần lượt tăng 63 - 74% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với đó các chi phí bảo trì, bến đỗ cũng theo chiều đi lên đã khiến các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá dịch vụ từ 5 - 10%.
Trước sức ép tăng giá của xăng dầu, giá tất cả nguyên liệu cũng tăng theo. Nhiều nhà sản xuất, nhà bán lẻ lo tháng 12 thị trường sẽ có mặt bằng tăng giá mới. Đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thường có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lên cung cầu, đẩy lạm phát tăng cao.
Các chuyên gia lo ngại, chi phí xăng, gas, nguyên vật liệu... đồng loạt tăng sốc đang và sẽ gây áp lực lớn đến chi tiêu đối với người tiêu dùng, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội.
Để hạn chế đà tăng của giá xăng, dầu trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá thông qua xả quỹ để bù giá và trích lập Quỹ với mức thấp hoặc không trích quỹ. Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng từ 35-38%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới.
Tuy nhiên, do sử dụng quỹ nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến dư địa của quỹ hiện không còn nhiều. Theo số liệu cơ quan chức năng, hiện có 14 đầu mối bị âm quỹ; trong đó, có 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) có số quỹ âm quỹ tới hàng ngàn tỷ đồng.
Xung quang đề xuất giảm thuế để "ghìm" giá xăng dầu
Song, các chuyên gia cho rằng hiện tại không thể trông chờ vào Quỹ Bình ổn xăng dầu nữa, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng.
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu đã lên tiếng đề nghị cần rà soát, xem xét việc giảm thuế, phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu để kìm hãm đà tăng phi mã của giá xăng dầu trong nước. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tăng trưởng. Do đó, nên dùng công cụ mà nhà nước đang quản lý để duy trì giá xăng dầu cho hợp lý, đó là giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu. Vì giá xăng dầu tăng rất nhanh và chúng ta vẫn còn dư địa để bình ổn. Ông Trần Hoàng Ngân đề xuất Chính phủ sớm can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu.
“Giá xăng dầu đang tăng rất nhanh. Trong khi đó, hiện nay, chúng ta đang có dư địa, công cụ như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên”, ông Ngân nói.
Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ gây áp lực lên nguồn thu ngân sách. Mặt khác, để giảm thuế cần trình cấp có thẩm quyền xem xét nên không thể quyết trong ngắn hạn.
Bên cạnh việc nghiên cứu các biện pháp hợp lý để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Tuy nhiên cũng có ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc điều hành giá xăng dầu vẫn phải theo thị trường, nếu dùng các biện pháp phi thị trường để can thiệp nhiều sẽ bóp méo thị trường và sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, trong từng thời điểm có thể điều hành linh hoạt bằng một số cơ chế, chính sách để đảm bảo giá xăng dầu ổn định nhất và ít gây đột biến nhất đối với nền kinh tế. Đó là mục tiêu mà điều hành giá xăng dầu phải hướng tới. Trong trường hợp Quỹ Bình ổn giá vẫn còn thì đương nhiên cơ quan quản lý vẫn sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá. Nếu sử dụng các công cụ khác, phải hết sức lưu ý và cân nhắc để tránh bóp méo quan hệ thị trường.
An MaiGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.