Cách nào hạn chế rủi ro từ ví điện tử và mobile money?
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính cho rằng cần có những biện pháp pháp lý kết hợp cùng công nghệ để hạn chế những rủi ro từ ví điện tử và mobile money.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu
- Theo ông, đâu là rủi ro lớn nhất đối với người dùng khi sử dụng ví điện tử?
Hiện người dùng sử dụng một ví điện tử do nhà phát hành cung cấp bắt buộc phải có liên kết với tài khoản ngân hàng. Theo đó, người dùng phải chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang ví để tránh rủi ro rửa tiền. Khi đó, khách hàng dùng ví để thanh toán mua hàng hóa.
Tuy nhiên, có một rủi ro đối với lượng tiền tồn đọng trong ví khách hàng. Nhà phát hành có thể sử dụng tiền trong ví điện tử của khách hàng để đầu tư vào tài sản rủi ro như: ban ngày để đầu tư chứng khoán, đầu tư ban đêm, hoặc đầu tư dài hạn. Đây là rủi ro rất lớn, bởi khi đầu tư, nhà phát hành có thể mất khoản tiền của mình dẫn đến số tiền trong ví khách hàng mất theo, thiệt hại lớn cho khách hàng.
Do vậy, cần một cơ chế, công nghệ thông tin để quản lý số tiền còn dư trong ví khách hàng.
- Vậy theo ông, cần một cơ chế giám sát như thế nào để tránh việc nhà phát hành dùng số tiền trong ví để đầu tư?
Có rất nhiều cách, thứ nhất có thể sử dụng hệ thống báo động, khi có giao dịch bất thường từ ví người dùng, NHNN phải có động thái can thiệp. Thứ hai, cần có chương trình chặn số tiền trong ví khách không bị lấy ra phục vụ mục đích khác. Trong trường hợp đó, phần mềm ví điện tử của nhà phát hành cần có danh sách các nhà cung cấp hàng hóa, khi đó nếu xuất phát giao dịch đến các nhà cung cấp nằm ngoài danh sách, giao dịch đó sẽ bị chặn.
Cần có một cơ chế quản lý để đảm bảo lúc nào tiền cũng ở trong ví khách hàng để chờ thanh toán. Nếu không làm được điều đó, mà chỉ dựa vào báo cáo của các ví điện tử, thì tất cả chỉ đơn thuần là những báo cáo giấy, trong khi rất thể tiền không còn trong ví của khách hàng.
Và nếu chỉ kiểm tra mỗi tuần một lần, hay mỗi tháng một lần thì các nhà phát hành có thể sử dụng số tiền sai mục đích.
Về quy định pháp lý, cần quy định bắt buộc các nhà phát hành ví điện tử phải để số tiền trong tài khoản và không sử dụng vào mục đích nào khác. Trong trường hợp vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm có thể phạt hành chính, thậm chí rút lại giấy phép ví điện tử.
Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng, đó là ai là cơ quan quản lý? Cần phải định danh rõ, những cơ quan đó phải có trách nhiệm quản lý, nếu quản lý lỏng lẻo phải bị quy trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
- Với mobile money, mức độ rủi ro còn lớn hơn so với ví điện tử, thưa ông?
Tôi cho rằng, mobile money có mức độ rủi ro lớn hơn ví điện tử. Theo tôi được biết, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đang chuẩn bị để triển khai mobile money khi được cho phép.
Theo tôi hiểu, mobile money có thể được gửi trực tiếp, kể cả tiền mặt cho nhà mạng mà không phải thông qua hệ thống ngân hàng như ví điện tử. Nếu trong trường hợp người dân có thể gửi tiền trực tiếp qua nhà mạng sẽ có rủi ro rửa tiền xuất hiện. Dĩ nhiên, Việt Nam sẽ phải quy định số tiền tối đa có trong ví di động của khách hàng.
Bên cạnh đó, ai quản lý số tiền đó? Trong trường hợp với ví điện tử, số tiền nằm trong tài khoản ngân hàng và ngân hàng có thể kiểm soát được. Còn những nhà mạng phát hành mobile money, doanh nghiệp có thể giữ ở bất kỳ đâu, kể cả tiền mặt. Chính vì thế, cần có một sự kiểm soát.
Ngoài ra, nếu cho những doanh nghiệp viễn thông phát hành mobile money, tức là trao cho họ một chức năng tạo tiền. Hiện tại, NHNN đang có chức năng cung tiền ra thị trường và quản lý. Việc cho nhà mạng tạo tiền thì ai sẽ quản lý? Nếu không có cơ chế quản lý việc này, sẽ làm thay đổi cung tiền trên quốc gia.
Bài học cách đây mấy năm đã cho thấy, nhiều người có thể lợi dụng kẽ hở để đánh bạc bằng thẻ cào điện thoại. Mobile money cũng tương tự như vậy nếu không có sự quản lý.
Thực chất, mobile money là một cách làm tốt giúp người dân không có tài khoản ngân hàng, có thể mở các tài khoản nhỏ di động để từ đó thanh toán thay thế tiền mặt, đây là mặt tích cực, nhưng phải làm sao để quản lý được?
Ở Mỹ, không có chuyện các nhà mạng có thể phát hành các loại tiền như mobile money.
- Theo ông, cần có giải pháp gì để quản lý rủi ro từ mobile money?
Như đã nói ở trên, rủi ro với mobile money còn lớn hơn ví điện tử, vì vậy tôi đề xuất nên triển khai ví điện tử hơn là mobile money. Ví điện tử dù sao có cơ chế để kiểm soát, không ảnh hưởng đến cung tiền, đến chính sách tiền tệ.
Trường hợp vẫn thí điểm mobile money thì cần định danh, xác thực khách hàng để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận. Ngoài ra, phải có quy định để đảm bảo các doanh nghiêp viễn thông tuân thủ nghiêm nguyên tắc 1:1 để không làm phát sinh lượng tiền tệ, gây khó cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Xin cảm ơn ông!
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.