Cách sống của cô gái mới ra trường lương 8 triệu khiến nhiều người không tin nổi
Vẫn cà phê, mua sắm đều đặn mà lại vẫn tiết kiệm được gần 50% thu nhập, cô gái khiến nhiều người tò mò về bí quyết chi tiêu.
Giữa lúc ai cũng than “sống ở Hà Nội dưới 15 triệu/tháng là nghẹt thở”, câu chuyện của Thu Huyền (26 tuổi, sống tại phường Nghĩa Đô, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Cô bạn chia sẻ có thu nhập 8 triệu đồng/tháng, chi tiêu không đến mức ki bo nhưng vẫn dành dụm đều đặn 3-4 triệu mỗi tháng.
Theo đó, cô bạn cho biết mình đang làm nội dung cho một agency nhỏ, mức lương mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng. Sống ở Hà Nội 1 mình, Huyền thuê trọ trong phòng khoảng 18m2 với mức giá 2 triệu/tháng. Căn phòng của cô ở mức đầy đủ, gọn gàng và tiện nghi tuy nhiên sẽ hơi xa so với việc di chuyển đi làm hoặc đi chơi trong phố vì thuê nhà xa trung tâm sẻ rẻ hơn.
Huyền bày tỏ: “Mới ra trường 1 năm, mình cũng từng hoảng khi thấy bạn bè cùng tuổi có thể chi tiêu tháng lên tới chục triệu, ăn uống sang chảnh, đi ô tô công nghệ, hay cuối tuần cafe, xem phim liên tục. Lúc đấy, mình nghĩ không biết phải xoay sở sao với mức lương 8 triệu. Tuy nhiên khi tách nhỏ chi tiết từng khoản, mình nghĩ bản thân vẫn có thể sống thoải mái, chỉ cần biết cách chọn lựa chi tiêu”.

Ảnh minh hoạ
Cụ thể, Huyền chia sẻ bảng chi tiêu mỗi tháng gồm: Tiền thuê trọ 2 triệu đồng, chi phí điện nước - internet khoảng 500.000 đồng. Về ăn uống, ban đầu cô bạn thường dự trù là 1,5 triệu đồng nhưng thực tế tháng nào cũng dư bởi cô tự nấu 70% - 80% các bữa. Chi phí đi lại, Huyền mang xe máy từ quê lên tuy nhiên đa phần do tiện tuyến đường nên cô thường đi lại bằng xe buýt, phương tiện công cộng hoặc đi bộ.
Cuối cùng, mỗi tháng, Huyền cũng vẫn để cho bản thân 500 nghìn tiền phục vụ cho giải trí, mua đồ mỹ phẩm. Thêm 500 nghìn nữa cô dự trù cho việc đi ăn, đi chơi, cafe cùng bạn bè. Do đó tổng chi tiêu dự tính mỗi tháng của Huyền là khoảng 5 triệu đồng. Tuỳ từng tháng, con số này sẽ có phần chênh lệch ít hay nhiều hơn nhưng đều không vượt quá 6 triệu đồng.
“Không phải tháng nào cũng y như nhau. Có những tháng tiết kiệm tiền đi du lịch thì mình sẽ bù qua sớt lại với tháng sau. Nhưng về cơ bản, mình kiểm soát chi tiêu như một thói quen, chứ không phải sống quá tiết kiệm”, cô nói.

Bảng chi tiêu được đặt ra mỗi tháng của cô gái
Cô bạn cũng cho biết, bí quyết của bản thân là chi tiêu theo thứ tự ưu tiên. Cô biết rõ nhu cầu của bản thân, cần tiêu cho những khoản nào, với những hạng mục mà cảm thấy có phần hơi “cố”, Huyền sẽ bỏ qua và có những lựa chọn khác phù hợp với cuộc sống của mình. Bản thân cô cũng không phải người dễ bị FOMO hay so sánh bản thân với người khác, nên điều này giúp Huyền rất nhiều trong việc chi tiêu thông minh.
Tiếp đến, bí quyết thứ 2 của cô bạn là nếu bản thân tự làm được, thì sẽ không đi mua. Chẳng hạn như nấu ăn, Huyền đều đặn tự đi chợ và chế biến thay vì ăn ngoài hay gọi đồ. Vì sống một mình nên ăn uống cũng khá đơn giản, nấu 1 lần có thể ăn được 2 bữa. Do đó, Huyền đỡ được một khoản chi “khổng lồ” cho việc ăn uống. Ngoài ra, những nhu cầu khác như cắt tóc, nhuộm tóc,... nếu có thể tự làm được thì cô cũng sẽ ưu tiên việc đó trước thay vì đầu tư ra hàng.

Tự nấu ăn sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí
Bí quyết cuối cùng, Huyền khẳng định đó là phải lập bảng chi tiêu, theo dõi mọi khoản trong mỗi ngày. Cách của Huyền là chia tiền vào từng hạng mục, sau đó kiểm soát chi tiêu theo đúng hạn mức đã đặt ra.
Phía dưới bài đăng về cách chi tiêu của mình, cô bạn này nhận về một số ý kiến trái chiều. Có người cho rằng thực ra như vậy có phần tiết kiệm quá mức, không cần thiết. Netizen bày tỏ cô bạn có thể hạ bớt số tiền tiết kiệm xuống còn khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng, chi tiêu sẽ thoải mái hơn mà cũng vẫn đảm bảo có dư.
Dẫu vậy, Huyền bày tỏ: “Mình không nghĩ mình đang tiết kiệm quá mức hay tằn tiện đâu. Mình vẫn đi cà phê 1 - 2 lần/tuần, vẫn xem phim, du lịch hay mua sắm,... Nhưng mình sống có chủ đích, biết bản thân có bao nhiêu tiền và chọn tiêu đúng mức thôi thay vì bị cuốn vào cuộc sống chi tiêu theo cảm xúc, vì chán, stress hay không muốn thua bạn bè,...”.
Hải My
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ, kinh nghiệm của TP. Hà Nội được gói gọn trong 3 yếu tố: Đồng bộ; Dữ liệu và Chủ động trong vận hành thông suốt chính quyền địa phương 2 cấp.