Cách thức để doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn thành công

Doanh nghiệp - Doanh nhân
06:28 AM 16/05/2020

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải hiểu quy trình đăng ký các khoản vay của ngân hàng. Cần có sự chuẩn bị thật kỹ khi tìm kiếm các nguồn hỗ trợ tài chính và gia tăng cơ hội thành công.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính. Vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Vay tín dụng sẽ giúp hỗ trợ nhu cầu về vốn một cách nhanh chóng, cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiếp cận nhiều cơ hội mới và phát huy lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

1- Kế hoạch sử dụng vốn vay:

Doanh nghiệp phải hiểu rõ về mục đích của khoản vay. Tùy nhu cầu thực tế, mục đích vay vốn cần được kê khai rõ ràng, chi tiết. Ví dụ, cần vốn để mua sắm tài sản cố định, hay mở rộng kinh doanh, hoặc thu mua nguyên vật liệu và sản xuất hàng hóa. Theo đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị một kế hoạch kinh doanh chi tiết kèm theo những giấy tờ chứng minh; chiến lược tăng trưởng hay kế hoạch phát triển doanh nghiệp cụ thể. Qua đó, ngân hàng hiểu rõ mục đích vay vốn của doanh nghiệp.

2- Lịch sử tín dụng tốt:

Một trong những điều đầu tiên mà các ngân hàng xem xét là uy tín của người vay, người bảo lãnh hoặc theo dõi lịch sử thanh toán các khoản nợ. Ngân hàng sẽ tham khảo báo cáo tín dụng từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia để kiểm tra thông tin này. Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho phép thu thập thông tin tín dụng về cá nhân và doanh nghiệp. Báo cáo thông tin tín dụng thường bao gồm các nội dung như sau:

(1)   Các giao dịch tín dụng của doanh nghiệp.

(2)   Tình hình trả nợ trong vòng 12 tháng gần nhất.

(3)   Thông tin mặc định hoặc có thể kiểm tra thời gian thông tin được tải lên CIC.

3- Chứng minh khả năng trả nợ:

Khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, ngân hàng sẽ xem xét những nguồn tài sản hiện có để xác định doanh nghiệp có đủ khả năng trả nợ khoản vay hay không. Ngân hàng có thể yêu cầu thêm thông tin về nguồn tiền để hỗ trợ cho các khoản chi phí và cam kết trả nợ của doanh nghiệp. Nguồn tiền thu vào càng mạnh sẽ chứng minh doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả đúng hạn và có khả năng quản lý các chi phí phát sinh ngoài dự kiến. Điều này sẽ giúp tạo lòng tin của người phê duyệt khoản vay dành cho doanh nghiệp.

Các ngân hàng cũng xác định tình hình tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn báo cáo tài chính kịp thời khi chuẩn bị tài liệu kèm theo đơn xin vay vốn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng các công cụ kế toán trực tuyến để tối ưu quy trình báo cáo tài chính.

4- Nguồn tài sản đảm bảo thế chấp:

Nguồn tài sản thế chấp sẽ chứng minh doanh nghiệp có thể đảm bảo chi trả khoản vay khi xảy ra sự cố. Các tài sản thế chấp thông dụng bao gồm bất động sản và trang thiết bị. Ngoài ra, các hàng hóa đang lưu kho hay hóa đơn thương mại chưa thanh toán cũng có thể dùng làm tài sản thế chấp.

Các tài sản thế chấp vay thuộc loại này bao gồm vay mua máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển thương mại hoặc vay đầu tư tài sản cố định. Cần lưu ý, yêu cầu tài sản thế chấp sẽ thay đổi tùy thuộc từng loại khoản vay mà doanh nghiệp đăng ký. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng có các chương trình vay tín chấp dành cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Loại hình vay này giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm thiểu rủi ro và rào cản khi thâm nhập thị trường, quản lý dòng tiền linh hoạt và nhanh chóng nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Sử dụng vốn vay từ ngân hàng là một lựa chọn hiệu quả giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua các giới hạn về nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Muốn vay vốn thành công, các doanh nghiệp nên nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ hồ sơ, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình và tiêu chí mà ngân hàng đặt ra.

Luật gia ĐỖ MINH CHÁNH

 

 

Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.