Cách tỷ phú Phạm Nhật Vượng tặng vốn của VinES cho VinFast
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ tặng 99,8% cổ phần của VinES cho VinFast. VinES sẽ trở thành công ty con trực tiếp của VinFast và vẫn thuộc nhóm công ty con của Tập đoàn Vingroup.
Thông tin từ phía Vingroup cho biết, nhằm chủ động công nghệ và tập trung nguồn lực để tăng cường nghiên cứu, phát triển pin cho các dòng xe điện của VinFast, ngày 11/10, Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES được sáp nhập vào Công ty VinFast.
VinES là công ty thành viên của hệ sinh thái Vingroup, được thành lập từ tháng 8/2021. VinES hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin lithium-ion chất lượng cao ứng dụng cho xe điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và các ứng dụng khác. Bên cạnh đó, VinES cũng đang hợp tác với các đối tác công nghệ pin hàng đầu trên thế giới để trở thành nhà cung cấp giải pháp năng lượng toàn diện.
Vingroup đang là công ty mẹ trực tiếp nắm giữ 330,85 triệu cổ phần, tương đương 50,8% vốn điều lệ của VinES. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm 48,5% và bà Phan Thu Hương nắm 0,5%. Đây là một trong số các công ty hiếm hoi mà ông Phạm Nhật Vượng trực tiếp đứng tên nắm lượng lớn cổ phần. Thời điểm hiện tại, VinES có tổng đầu tư vốn pháp định 6.500 tỷ đồng.
Vingroup sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho ông Phạm Nhật Vượng. Tiếp theo giao dịch chuyển nhượng cổ phần này, ông Phạm Nhật Vượng sẽ tặng 99,8% cổ phần của VinES cho VinFast. VinES sẽ trở thành công ty con trực tiếp của VinFast và vẫn thuộc nhóm công ty con của Tập đoàn Vingroup.
Sau khi sáp nhập, VinFast sẽ được kế thừa toàn bộ các bằng sáng chế tế bào pin, pack pin, nhà xưởng, công nghệ, các quan hệ đối tác, cũng như hợp đồng với các nhà cung cấp của VinES. Việc sở hữu công nghệ pin và hệ thống nhà máy sản xuất pin hiện đại của VinES là cột mốc quan trọng trong việc toàn diện hóa năng lực cho chuỗi sản xuất VinFast, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội cho VinFast trên thị trường xe điện toàn cầu.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng đã công bố tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân. Cùng với ông Vượng, Tập đoàn Vingroup do ông sáng lập cũng thông báo tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD và cho vay 1 tỷ USD trong thời hạn tối đa 5 năm nhằm gia tăng nguồn lực cho các mục tiêu tăng trưởng lên quy mô toàn cầu của VinFast.
Tính đến ngày 30/9/2023, Vingroup đã giải ngân khoản vay 23.000 tỷ đồng và trong tháng 9/2023, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cũng đã giải ngân tặng 7.000 tỷ đồng cho VinFast. Trong 6 tháng tới, VinFast dự kiến nhận đến 12.000 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại từ Vingroup.
Theo bản cáo bạch khi niêm yết của VinFast, các cổ đông liên quan tới Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng kiểm soát gần 2,3 tỷ cổ phiếu VFS, tương ứng hơn 99%. Trong đó Vingroup là cổ đông lớn nhất nắm 51% vốn của VinFast.
Liên quan đến kết quả kinh doanh, mới đây, VinFast đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với tổng doanh thu 8.254 tỷ đồng (khoảng 342,7 triệu USD), tăng 4% so với quý trước và tăng 159% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chủ yếu của công ty này đến từ doanh số bán xe điện là 7.698 tỷ đồng.
Số lượng xe ô tô điện VinFast đã bàn giao trong quý 3/2023 là 10.027 xe, tăng 5% so với trước. Quý 3 cũng bước đầu ghi nhận doanh số tích cực hơn trong tháng 9 tại thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Canada.
Bên cạnh ô tô điện, trong quý vừa qua VinFast cũng ghi nhận doanh số xe máy điện là 28.220 chiếc, tăng 177% so với quý 2/2023 và tăng 113% so với quý 3/2022.
Trừ giá vốn, công ty ghi nhận lỗ gộp ở mức 2.468 tỷ đồng (102,4 triệu đô la Mỹ) và biên lợi nhuận gộp ở mức -30%, cải thiện so với mức lỗ quý 2/2023.Trừ đi tất cả các chi phí, VinFast lỗ ròng hơn 15.000 tỷ đồng trong quý 3/2023. Lũy kế từ đầu năm, công ty lỗ tổng cộng 41.593 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/9, tổng tài sản của VinFast đạt hơn 124.800 tỷ đồng.
Về quy mô hoạt động, công ty dự kiến phát triển kinh doanh tại ít nhất 50 thị trường mới trên toàn cầu vào cuối năm 2024. Bên cạnh đó, VinFast cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ và Indonesia đã được công bố trước đó. Tổng vốn đầu tư nhà máy tại Ấn Đô dự kiến khoảng 150-200 triệu đô la Mỹ với công suất lên tới 50.000 xe/năm trong giai đoạn 1.
Việc xây dựng nhà máy tại các thị trường mới cho phép VinFast tận dụng tối đa các ưu đãi của Chính phủ sở tại, giảm các loại thuế quan, và tiếp cận nguồn nguyên liệu thô với mức giá hấp dẫn. Ngân sách đầu tư cho nhà máy lắp ráp tại Indonesia và Ấn Độ sẽ được cân đối từ khoản tối ưu tổng mức đầu tư trong 2 năm tới.
Nhật HàCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.