Cadence và Khu Công nghệ cao TP.HCM hợp tác phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam

Địa phương
04:02 PM 30/05/2023

Ngày 30/5, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã tổ chức lễ ký kết với Tập đoàn Cadence (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử) nhằm cùng phát triển và nâng cao năng lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Micheal Shih - Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Cadence; Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý SHTP; GS.TS Đặng Lương Mô - Chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ vi mạch.

TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Cadence đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh 1.

Đại biểu tại lễ ký kết hợp tác giữa SHTP với Cadence.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý SHTP, phát biểu: "Chúng tôi rất trân trọng việc hợp tác cùng Công ty Cadence - công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích dữ liệu thăm dò (EDA). Với cam kết mạnh mẽ từ Tập đoàn Cadence trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực này, chúng tôi tin rằng sự hợp tác giữa SHTP và Cadence sẽ mang lại hiệu quả tích cực. 

Chương trình này sẽ tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận công nghệ và phương pháp mới nhất trong thiết kế IC và thiết kế hệ thống, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn để đạt được thành công trong lĩnh vực điện tử, vi mạch. Chúng tôi tin việc hợp tác sẽ đóng góp lớn cho việc nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao, góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cho TP. Hồ Chí Minh cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam".

TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Cadence đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh 2.

Đại diện SHTP ký hợp tác với lãnh đạo Tập đoàn Cadence trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Tại lễ ký kết, ông Michael Shih cho biết, SHTP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trong khu vực. 

"Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác SHTP và các trường đại học để hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực thiết kế điện tử tại Việt Nam. Bằng việc cung cấp quyền truy cập vào các phần mềm của Cadence, chúng tôi mong muốn trang bị cho các thế hệ kỹ sư tương lai những kỹ năng cần thiết để góp phần vào sự phát triển công nghệ cao tại Việt Nam", ông Michael Shih nói.

TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Cadence đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý SHTP tin tưởng chương trình hợp tác với Cadence góp phần phát triển ngành công nghiệp vi mạch cho TP.HCM

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được thông qua bằng nhiều Nghị quyết.

Cụ thể, tại Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo, đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.

TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Cadence đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh 4.

Ông Micheal Shih khẳng định việc hợp tác với SHTP và các trường đại học sẽ hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Hay tại Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra nhiệm vụ "cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao…; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá  trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…".

TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Cadence đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh 5.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác

Theo ông Dương Anh Đức, với tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và xung đột Nga - Ukraina đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các tập đoàn đa quốc gia là phải cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu để tăng khả năng thích ứng, chống chịu trước những nguy cơ dịch bệnh và xung đột. Với vị thế địa chính trị - kinh tế của mình thì Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang được xem là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn.

TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Cadence đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cùng đại biểu tham quan Trung tâm Đào tạo điện tử Quốc tế (IETC).

Vì vậy, để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và chủ động tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các chuyển dịch của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và xung đột Nga - Ukraina, thời gian qua UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành, đặc biệt là SHTP khẩn trương tham mưu, chuẩn bị các điều kiện về cơ chế, chính sách, quỹ đất và đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao để thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn.

Để đào tạo nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn (IC Design), ngày 22/10/2022, SHTP chính thức đưa vào vận hành Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ như: cung cấp li-xăng cho các công cụ tự động hóa thiết kế đến các trường, viện; tổ chức các khóa đào tạo về thiết kế vi mạch cho giảng viên; tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch; cung cấp dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp tape-out các thiết kế; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động các nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Ngay sau buổi lễ ký kết hợp tác, các đại biểu cũng đi tham quan Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao và Trung tâm Đào tạo điện tử Quốc tế (IETC).

Khu Công nghệ cao TP.HCM

Được thành lập vào năm 2002, SHTP với quy mô 913ha có mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực. Đến nay, SHTP TP.HCM có hơn 160 dự án đầu tư còn hiệu lực, bao gồm dự án của các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức nghiên cứu và công ty khởi nghiệp.

Với mục tiêu trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong khu vực và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, SHTP cam kết thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển nhân tài và hợp tác giữa giới học thuật và ngành công nghiệp để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Tập đoàn hàng đầu về vi mạch

Candence là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện tử, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phần mềm tính toán. Công ty áp dụng chiến lược thiết kế hệ thống thông minh để cung cấp phần mềm, phần cứng và IP nhằm biến các ý tưởng thiết kế vào thực tế.

Khách hàng của Cadence là những công ty sáng tạo nhất thế giới, cung cấp các sản phẩm điện tử đặc biệt từ chip đến bo mạch cho đến hệ thống hoàn chỉnh cho các ứng dụng thị trường năng động nhất bao gồm siêu tính toán, 5G, ô tô, điện thoại di động, hàng không vũ trụ, người tiêu dùng, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Trong 9 năm liên tiếp, Cadence được tạp chí Fortune đánh giá là một trong 100 công ty tốt nhất để làm việc.


Lê Hải - Hoàng An
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.