Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Diễn đàn
03:26 PM 29/02/2024

Chia sẻ tại Hội nghị "Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp", sáng 29/2, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên và sự đồng hành nhiều bên để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 xác định, nhiệm vụ quan trọng là bảo đảm quyền tự do kinh doanh; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo.

Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp- Ảnh 1.

Đồng thời, nâng cao chất lượng xây dựng chính sách thông qua việc đánh giá tác động; tham vấn thực chất; đối thoại công khai. Nâng cao chất lượng thực thi pháp luật và duy trì, nhân rộng các kinh nghiệm chính sách tốt. Kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách để thích ứng linh hoạt, phù hợp với những xu thế phát triển mới như đổi mới sáng tạo, cuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Tại Hội nghị, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế.

Trong lĩnh vực thực phẩm, nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan địa phương nghiêm túc thực hiện quy định tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 1 lần và không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định của pháp luật. Quy định này sẽ cởi trói rất nhiều cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Y tế cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết. Hy vọng những bất cập, tồn đọng mà các doanh nghiệp thực phẩm đã nhiều lần kiến nghị sẽ sớm được giải quyết triệt để.

"Trong quá trình góp ý, chúng tôi có đề nghị đưa vào trong dự thảo Nghị quyết 02 và giao cho Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ một mặt "có trách nhiệm tăng cường đôn đốc và chỉ đạo các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bãi bỏ, sửa đổi quy định pháp luật gây khó khăn, bất cập cho DN" và mặt khác "xem xét đề xuất Chính phủ cơ chế xử lý các trường hợp chậm hoặc không thực hiện", tuy nhiên Ban Soạn thảo chỉ đưa nội dung vế đầu vào mà không đưa vế 2 vào Nghị quyết 02. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá", bà Thảo nói.

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề xuất, để tạo động lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cần có cơ chế xử lý, xử phạt đối với các bộ ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong thực thi nghị quyết.

"Phải làm sao tăng hiệu quả đôn đốc, giám sát và xử lý để mỗi cán bộ công chức, bộ ngành phải tận lực hỗ trợ, xử lý và xem lợi ích của doanh nghiệp, người dân như là lợi ích cho chính mình. Có như vậy, việc thực thi nghị quyết mới hiệu quả", đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ chia sẻ, Hiệp hội đánh giá rất cao và cảm ơn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể: tiếp tục giảm thuế VAT xuống 8%, chỉ đạo ngân hàng hạ lãi suất cho vay, và mới đây nhất là Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, chỉ đạo tháo gỡ các bất cập pháp lý trong đầu tư; tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện, thủ tục kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và nhiều giải pháp cụ thể khác.

Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp- Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế. Ảnh minh họa

Các chỉ đạo của Nghị quyết 02 của Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc về EPR là rất cụ thể, bao gồm: Doanh nghiệp được thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ; Doanh nghiệp nộp đóng góp tái chế trên cơ sở quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm và thời hạn nộp đến hết quý I của năm tiếp theo; Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi đối với bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế.

"Chúng tôi hy vọng Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có các hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ, tháo gỡ các vướng mắc về EPR cho các doanh nghiệp, đúng như tinh thần quyết liệt của Chính phủ", đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ, thành quả của hoạt động cải cách môi trường kinh doanh gần đây có thể nhìn thấy rõ. Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.191 quy định kinh doanh tại 221 văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều thuận lợi trong môi trường kinh doanh được doanh nghiệp chia sẻ như: thủ tục hành chính thuận lợi hơn, đăng ký kinh doanh đơn giản hơn, tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, cần đẩy mạnh tính thực chất, hiệu quả trong cải cách môi trường kinh doanh, xóa bỏ các vướng mắc doanh nghiệp còn mắc phải; đảm bảo kỉ luật, kỉ cương của bộ máy thực thi, có cơ chế giám sát thực thi, đánh giá hiệu quả độc lập, thúc đẩy hoạt động tham vấn rộng rãi và thực chất hơn nữa.

Đánh giá về thực trạng môi trường kinh doanh năm 2024, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xếp hạng của Việt Nam năm 2024 xếp hạng ở mức "tự do trung bình". Việt Nam đang đứng thứ 59 toàn cầu, thứ 11/39 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm về nhu cầu đầu tư, kinh doanh và sức chống chịu. Môi trường kinh doanh còn thiếu hấp dẫn. Vốn đăng ký sụt giảm và việc thu hút lao động chưa đạt được so với thời điểm trước dịch COVID-19.

Ở cấp độ địa phương, nỗ lực cải cách được ghi nhận, nhưng mức độ còn khác biệt. Môi trường kinh doanh còn tồn tại nhiều thách thức. Rào cản về ngành nghề và đăng ký kinh doanh vẫn là trở ngại lớn, làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh.

Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh. Rất nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng sự chuyển biến cải cách còn chậm. Thậm chí, có lĩnh vực rào cản nặng nề hơn.

"Muốn cải thiện môi trường kinh doanh để củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp, cần khơi dậy động lực, tạo áp lực thường xuyên, liên tục và cần sự đồng hành của nhiều bên", bà Thảo nhấn mạnh.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.