Cải thiện môi trường đầu tư như tinh thần chống dịch Covid-19
Chiều 26/5, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”.
Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại 19 tỉnh, thành phố, trong đó có Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ….
Doanh nghiệp mong muốn được tương tác trực tiếp
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu…
Để kịp thời ứng phó với đại dịch cũng như chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, tiếp tục cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ngày 12/5/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với quan điểm lấy DN, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành….Tổng chi phí tiết kiệm từ việc cắt giảm, đơn giản hóa là hơn 18 triệu ngày công; tiết kiệm tương đương 6.300 tỷ đồng/năm. “Nếu không có gì thay đổi, thì tháng 6 này sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hướng tới hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo quốc gia”- ông Dũng thông tin.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều kết quả đáng khích lệ. Việc thực thi Nghị quyết 68 là vô cùng quan trọng, vấn đề là phải có tinh thần cải thiện môi trường đầu tư tư kinh doanh như tinh thần chống dịch Covid-19.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, các DN mong muốn có được sự tương tác trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết nhanh chóng những vướng mắc, bất cập… chứ không phải qua nhiều đầu mối, bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh.
Để chủ động trong “cuộc chơi”, có ý kiến cho rằng DN phải có trách nhiệm tìm kiếm thông tin, nhưng khi DN tìm gói hỗ trợ sau dịch Covid-19 (giãn thuế, tìm thuê lao động, tiếp cận nguồn vốn vay…) thì khá khó khăn. Bởi vậy, các DN này mong muốn Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại có chính sách cho DN tiếp cận nguồn vốn để vực dậy sau khủng hoảng. Đồng thời cần làm rõ các đối tượng, các quy trình, trình tự đăng ký cho DN được tiếp cận nguồn vốn và có thể tích hợp luôn trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm 2020 có 5 điểm sáng, trong đó phòng chống dịch đạt kết quả tích cực; áp lực lạm phát giảm, khả năng kiểm soát dưới 4%; thị trường chứng khoán Tháng 4 phục hồi mạnh sau khi giảm mạnh trong 2 tháng trước đó.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 7 khó khăn, thách thức đối với kinh tế Việt Nam, đáng chú ý là hoạt động bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh (giảm 4,3% so với cùng kỳ); sản xuất công nghiệp thấp nhất trong 10 năm qua, hầu hết các ngành sụt giảm; khối DN gặp nhiều khó khăn, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 33,6% (gấp 1,7 lần so với cùng kỳ 2019).
Chỉ ra các rào cản trong cải cách TTHC, đặc biệt là những rào cản mang tính chiến lược, theo ông Cấn Văn Lực, đó là thiếu sự ủng hộ từ cấp lãnh đạo trong bộ máy chính trị, nhất là người đứng đầu, ngoài ra còn có vấn đề lợi ích nhóm, tâm lý ngại thay đổi...
Đối với rào cản kỹ thuật, ông Lực cho rằng, ngoài hệ thống pháp luật quá phức tạp; thiếu kiến thức về cải cách hành chính, dẫn đến việc thực hiện không hiệu quả, còn có tồn tại là thiếu thông tin và dữ liệu để xác định mục tiêu cần cải cách, ưu tiên; thiếu bộ máy tổ chức thực hiện và giám sát hiệu quả…
Đưa ra những giải pháp để khắc phục những tồn tại trên, vị chuyên gia kinh tế kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành, cùng với đó là phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng thay thế/bổ sung, như: thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng ngay say dịch bệnh được kiểm soát (Mỹ, EU, ASEAN và HQ…). Đặc biệt, Chính phủ và các DN luôn luôn phải có kịch bản ứng phó với làn sóng Covid-19 lần thứ 2
Chỉ ra những thách thức với ngành thủy sản trong bối cảnh mới, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt nam (VASEP) cho biết, ngoài sức mua giảm, chi phí sản xuất tăng cao… thì lao động cho các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu và ngày càng khó khăn; lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục là thách thức lớn.
“Qua đại dịch Covid-19, thấy rõ một điểm yếu của ngành nông-thuỷ sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ XNK. DN cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hoá và nguyên liệu. Các cơ chế-chính sách hiện có cho nhu cầu đầu tư kho bảo quản thủ tục còn phức tạp”- Hiệp hội này phản ánh.
Đề xuất các cơ chế, chính sách, VASEP kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ DN, như cơ chế cho các DN đầu tư xây dựng kho lạnh trữ hàng (lãi suất 0% 2 năm đầu; giảm 50% lãi suất cho 4 năm tiếp theo..); điều chỉnh mức đánh giá rủi ro tín dụng cao đối với nhóm ngành hàng thuỷ sản. Trong dài hạn, Chính phủ và các bộ cần thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuỷ sản.
Trước mắt Hiệp hội này đề xuất 2 dự án: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam nhằm giúp người nuôi tôm Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu thông tin; Triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống, tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành…
Tạo những bứt phá mới
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, đồng thời cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng xử lý phù hợp.
Đối với vướng mắc trong việc xử lý việc cách ly các chuyên gia, các lao động kỹ thuật, nhà đầu tư nước ngoài… vào Việt Nam, ông Dũng nêu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao cho các cơ quan y tế, các cơ quan chức năng tại địa phương cùng với DN thực hiện cách ly tại nhà, tại cơ quan, xí nghiệp, công xưởng... “Nhưng tại sao thời gian vừa qua, các tỉnh vẫn gặp khó khăn? Là vì các tỉnh đó chờ tất cả các DN gửi báo cáo rồi mới tổng hợp đưa lên Trung ương. Tôi đề nghị các DN có thể linh hoạt gửi thẳng lên trên này hoặc có thể chọn gửi qua tỉnh. Sau đó chúng tôi sẽ có văn bản gửi các Bộ liên quan, như Quốc phòng, Công an, Y tế, Gia thông Vận tải để hướng dẫn thủ tục cách ly đối với các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam một cách nhanh và thuận tiện nhất”-ông Dũng nói.
Để tận dụng được cơ hội mới, Chủ nhiệm Văn phòng Chính mong muốn các DN tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, thúc đẩy tăng cường hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng các sản phẩm gắn với nâng cao sự cạnh tranh, phát triển thị trường nội địa….
Đồng thời tranh thủ cơ hội để tham gia vào liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực toàn cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tình căn cơ, vừa trước mắt, vừa lâu dài của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra.
“Từng bước phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, các DN của chúng ta sẽ sớm hồi phục và tạo ra những bứt phá mới, giá trị mới, đóng góp mới vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước”- ông Dũng tin tưởng.
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Michael Greene đã dành lời khen ngợi cho các chiến lược ấn tượng và các biện pháp chủ động của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Nhờ các biện pháp nhất quán, Việt Nam đã có thể mở cửa lại sớm hơn các quốc gia khác.Theo ông Michael Greene, đại dịch COVID-19 đã phá hủy nặng nề nền kinh tế toàn cầu, nhiều DN đang cố gắng lấy lại đà kinh doanh trước đây, nhiều DN chật vật để tiếp tục hoạt động.
Trong thời điểm như vậy, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chống lại dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp 9,5 triệu USD thông qua USAID tại Việt Nam để hỗ trợ các sáng kiến của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là cộng đồng các DN nhỏ và vừa là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Đó là nhận định của TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng đi đột phá để đảo Cát Bà thực sự vươn tầm thế giới, trở thành “hình mẫu” cho các nơi khác.