Cảm nhận ban đầu về công trình văn hóa tâm linh trên núi Bà Đen
Từ khi cả 3 tuyến cáp treo liên thông và nhịp nhàng vận hành đón khách vào đầu Xuân 2023 thì việc đến thăm núi Bà Đen ở Tây Ninh đã rất thuận tiện.
Đặc biệt trên tuyến lên điểm cao nhất 986m, khách thăm không những thưởng ngoạn trọn vẹn cảnh đẹp của núi rừng, cảm thụ không khí mát lành trong không gian vời vợi trên đỉnh núi vốn được coi là “Nóc nhà của Nam Bộ”, mà còn được chiêm bái một công trình văn hóa Phật giáo tráng lệ với pho tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn khổng lồ mới tạo dựng nơi đây.
Là tâm điểm của công trình, pho tượng Phật Bà đúc đồng cao 72m, được tác tạo từ nghiên cứu gần 40 bức ở chùa Bổ Đề – Bắc Giang để lấy dáng vẻ riêng. Vẻ đẹp thánh thiện toát ra từ dáng đứng, trang phục mềm mại đến vẻ mặt tươi tắn đôn hậu, hướng mắt về phía hồ Dầu Tiếng và nhìn xuống đồng bằng trù phú, như Đức Phật đang phổ độ chúng sinh…
Trên điểm cao nhất này, mặc dù việc xây cất vẫn đang tiếp tục bổ sung hoàn thiện, nhưng với tất cả những gì đã thể hiện ở công trình chính tại trung tâm của đỉnh núi cũng đủ cho thấy một diện mạo kiến trúc hiện đại được thiết kế dưới dạng thức mới mẻ về chủ đề văn hóa Phật giáo phục vụ du lịch. Xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc được nghiên cứu và thể hiện bài bản. Các chức năng sử dụng của công trình được vận hành đồng bộ với trang thiết bị kỹ thuật rất hiện đại.
Quan sát công trình từ khoảng sân vuông vắn có độ rộng như một quảng trường, nhìn lên chính diện tượng Phật Bà ta sẽ thấy Phật đứng nhẹ nhàng trên khối đế cao 4 tầng, trong một bố cục cân xứng và sự hòa quyện giữa hai phần kiến trúc và điêu khắc.
Phần kiến trúc gồm các thành phần cấu thành đế và bệ tượng (trong đó chứa đựng các chức năng giao tiếp và hoạt động du lịch, chiêm bái, thưởng ngoạn, tìm hiểu Phật giáo…) có hình dạng tổ hợp một chuỗi gồm 9 hình tròn to nhỏ chồng xếp từ dưới lên và tụ lại dưới chân tượng, tựa như 9 tầng mây cách điệu, gợi cảm giác như Phật đang ngự trên đài sen cùng các vị Quan Âm bồng bềnh giữa mây trời đỉnh núi…
Theo đó hình ảnh dòng nước tuôn chảy trên 5 khay tròn giật cấp dần xuống Cột kinh Bát Nhã phía dưới, cũng gợi nên sự liên tưởng đến nguồn nước của bình Cam Lồ từ tay Phật rót xuống thế gian…
Khối đế và bệ tượng có cấu trúc không gian hiện đại, bài trí hợp lý giữa nội dung và hình thức kiến trúc. Thiết kế đã sử dụng hiệu quả tính hình học của những đường thẳng, góc vuông và vành tròn trong bố cục hình khối, thành công trong thủ pháp tương phản nhưng không mâu thuẫn để làm nổi bật nên sự trang trọng và vẻ đẹp điêu khắc của các pho tượng đặt ở phía trên.
Trong quần thể công trình kiến trúc này còn có cụm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng, với đế trụ kinh được bắt đầu từ khu giảng pháp đường dưới lòng đất. Trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m vươn lên trời xanh, trở thành điểm kết nối giữa sân thiền với tượng Phật Bà, tạo nên một bố cục chặt chẽ cho trục không gian tâm linh trên đỉnh núi.
Đặc biệt, vào buổi tối, quần thể kiến trúc và điêu khắc hiện lên như một bức tranh huyền ảo dưới hệ thống chiếu sáng mỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới với hơn 3500 ngọn đèn led. Được thiết kế bởi KTS Shin Takamatsu – người Nhật Bản, “cha đẻ” của triết lý “không tồn tại” – lối kiến trúc tôn trọng tối đa chức năng của địa điểm. Hệ thống này sẽ không chỉ làm tròn chức năng chiếu sáng thông thường mà hơn hết còn thỏa mãn được yếu tố duy mỹ, nghệ thuật cho trục không gian tâm linh.
Thu hút khách thăm tìm hiểu Phật giáo phải kể đến nội dung khu triển lãm về Phật giáo nằm trong khối nhà 4 tầng dưới chân tượng Phật Bà. Đây là nơi trưng bày những phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển, trong đó giới thiệu nhiều ngôi chùa cổ kính, nhiều pho tượng nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Đặc biệt, tại khu vực Đại sảnh trần vòm tầng 1, du khách có cơ hội tìm hiểu và khám phá về vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại, chất lượng cỡ hàng đầu thế giới. Mặt bằng toàn khối có dạng hình vuông nội tiếp hình tròn và mỗi tầng lại mở ra một hành trình riêng, giúp du khách có thể xem và hiểu hàng ngàn năm Phật pháp theo cách trước nay chưa từng có.
Vành ngoài các tầng đều gắn không gian mặt nước với hành lang rộng rãi bao quanh, tạo một khoảng đệm trong và ngoài nhà để du khách có thể đứng ngắm cảnh, đón gió hoặc tránh mưa nắng dễ dàng. Cách thức nhấn mạnh phân vị ngang với những đường vành tròn đồng tâm đồng dạng, đã kết thành nét kiến trúc đặc trưng cho khối trưng bày, triển lãm nghệ thuật Phật giáo.
Hình tượng kiến trúc hiện đại và nghệ thuật bài trí sinh động của công trình khác hẳn với một số dự án du lịch tâm linh đi xây nhà theo kiểu bắt chước, phóng to bố cục và sao chép hình thức những ngôi chùa cổ, không những đóng cửa sáng tạo mà còn làm lẫn lộn và lệch chuẩn các nghi thức tín ngưỡng, làm xói mòn nhiều giá trị truyền thống.
Nơi đây không có dáng mái cổ, hương khói, bàn thờ cúng và hòm công đức bày biện nhan nhản như trong nhiều khu du lịch tâm linh khác. Đến thăm, thưởng ngoạn và chiêm bái, tìm hiểu Phật pháp tại công trình văn hóa Phật giáo phục vụ du lịch trên đỉnh núi Bà Đen, trước tượng Phật Bà ta cảm nhận được đầy đủ sự thanh khiết, tâm thái nhẹ nhàng. Càng nhận thấy rõ hơn ý nghĩa đích thực của những giá trị văn hóa tín ngưỡng được thể hiện sáng tạo trong cuộc sống đương đại ở công trình này.
Tuy nhiên, về kiến trúc của 2 nhà ga đã xây dựng và đang vận hành đón khách gần bên công trình chính, nếu quy mô nhỏ đi, ẩn bớt hình khối thì càng tương thích hơn nữa với không gian chung. Nên có giải pháp trồng cây, thêm hoa để tạo hiệu quả thị giác tối ưu nhất.
Tây Ninh, tháng 5/2023.
KTS Doãn Đức (Kiến trúc Việt Nam)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.