Campuchia đang có một lợi thế phát triển kinh tế rất lớn
Thông tin này mới đây được Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố.
Theo tờ Khmer Times, nhân ngày Dân số Thế giới (11/7) vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết, hiện nay tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên thế giới đang có xu hướng chậm lại, nhưng dân số của Campuchia vẫn tiếp tục tăng trong thời gian dài. Theo Thủ tướng, tốc độ tăng dân số đang dần chậm lại, với mức sinh năm 2024 là 2,5 con/ phụ nữ. Dự báo tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 2.04 con/ phụ nữ vào năm 2025. Trong khi đó, dân số Campuchia đạt 17,2 triệu người vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên tới 22 triệu người năm 2050.
Thủ tướng Hun Manet lưu ý rằng, dân số Campuchia trong độ tuổi lao động (từ 15 – 59 tuổi) đạt 63,1% vào năm 2024. Tỷ lệ này sẽ giảm nhẹ xuống còn 61,7% vào năm 2050. Con số này cho thấy rằng, Campuchia sẽ có lực lượng lao động dồi dào đến năm 2050 và những năm sau đó. Theo Thủ tướng Campuchia, đây là cơ hội để Campuchia thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thế nhưng, Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh rằng, lực lượng lao động dồi dào chỉ là một cơ hội về số lượng, còn đầu tư vào việc đào tạo người dân một cách hiệu quả và kịp thời mới là lợi ích thực sự.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh: STPM
Về việc này, Thủ tướng Hun Manet khẳng định, Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho thanh niên bằng cách nâng cao về chất lượng giáo dục ở mọi cấp học, đồng thời cải thiện dịch vụ y tế, phát triển kỹ năng chuyên môn cũng như tạo việc làm ổn định để Campuchia có thể đạt được tầm nhìn đến năm 2050 trở thành quốc gia có thu nhập cao.
Theo Thủ tướng Hun Manet, để đạt được tầm nhìn tham vọng này, Campuchia cần có những chính sách và chiến lược phát triển rõ rằng, trong đó tập trung vào con người, đặc biệt là thanh niên, phụ nữ và trẻ em, nhằm xây dựng một xã hội thịnh vượng và bền vững.
Thủ tướng Campuchia kêu gọi Bộ Kế hoạch làm việc với các bộ, ngành và tổ chức liên quan để tiến hành xây dựng lộ trình cụ thể dựa trên bằng chứng và tôn trọng quyền của cá nhân trong việc lập gia đình và lựa chọn số lượng con. Ông Hun Manet nói thêm rằng, đầu tư vào giới trẻ ngày nay, đặc biệt là vào giáo dục, y tế và việc làm, là nền tảng cho sự phát triển nguồn nhân lực.
Kinh tế Campuchia được dự báo tăng trưởng tích cực

Dân số Campuchia đạt 17,2 triệu người vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên tới 22 triệu người năm 2050. Ảnh: iStock
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng, kinh tế Campuchia tăng trưởng 5,5% trong năm 2025, cao hơn mức 5,3% được ghi nhận trong năm 2024.
Trong bối cảnh nhu cầu thị trường bên ngoài chững lại, môi trường kinh tế toàn cầu không rõ ràng về chính sách thương mại, các ngành xuất khẩu chủ lực của Campuchia, đặc biệt là về may mặc, giày dép và đồ du lịch, dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, ngành du lịch của Campuchia cũng chưa phục hồi như kỳ vọng, khi lượng du khách nước ngoài đến quốc gia này vẫn thấp hơn mốc năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra những khó khăn về đầu tư nội địa của Campuchia, đặc biệt là tình trạng trì trệ của lĩnh vực bất động sản và xu hướng thắt chặt tín dụng.
Bà Tania Meyer, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Campuchia, cho hay quốc gia này cần tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng và tạo việc làm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó lường như hiện nay, nhất là cần vượt qua sự phụ thuộc vào ngành xây dựng bất động sản cũng như xuất khẩu hàng may mặc, cần tập trung hơn cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Bài tham khảo nguồn: Khmer Times, World Bank

Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành da giày Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 14 tỷ USD. Trong đó, giày dép chiếm khoảng 12 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ; các sản phẩm túi xách, vali, ô dù đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 11,6%.