Cần bịt ngay những “lỗ hổng văn hóa” để dập dịch Covid-19
Ùa ra đường tập thể dục, vui chơi, tán gẫu hay cho khỏi cuồng chân, bí bách… “như chưa hề có lệnh cách ly” do một bộ phận người dân Hà Nội thiếu ý thức. Điều này tạo nên những “lỗ hổng văn hóa” rất đáng lên án khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trong mấy ngày qua, chỉ sau khi lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực được một thời gian, tại Hà Nội đã có một số biểu hiện không tuân thủ luật pháp. Theo báo chí phản ánh, các khu dân cư như Times City, đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Chí Thanh, đường Láng, Nguyễn Trãi… người đi lại nườm nượp.
Các công viên đóng cửa, người ta thậm chí liều mạng tập thể dục ngoài đường. Cầu Chương Dương lúc tan tầm tắc nghẽn như ngày thường. Đọc được thông tin này, những người đang nghiêm chỉnh cách ly tại nhà cũng cảm thấy bàng hoàng, lo lắng.
Người Hà Nội vẫn đổ ra đường khi đang có lệnh cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19
Chị Thủy (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ bức xúc: “Đây không phải là thiếu ý thức mà còn là vô văn hóa, thiếu tôn trọng pháp luật và vô trách nhiệm”. Anh Lâm (ở Cầu Giấy, Hà Nội) thì lên án kịch liệt. Anh đề nghị xử nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe.
Bởi lẽ, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, bài học về ca bệnh 243 vẫn đang nóng hổi khiến ai nấy bất an thì việc tự cách ly tại nhà càng hết sức cần thiết và quan trọng để chúng ta khoanh vùng, hạn chế sự lây lan của Covid-19.
Sự bí bách, cuồng chân, chán nản, thậm chí mòn mỏi là có thật. Hầu hết mọi người đều có tâm trạng ấy. Trong một xã hội mở, nhu cầu giao lưu, đi lại, làm việc, vui chơi, hưởng thụ… cũng có giá trị như bất kì nhu cầu nào khác.
Người dân tập thể dục ngoài vỉa hè bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19
Tuy nhiên, con người có tri thức, có văn hóa là có nhận thức đúng sai, điều gì cần thiết và không cần thiết để biết tiết chế bớt những nhu cầu của mình, cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
Ông Thạch, một cán bộ hưu trí ở quận Thanh Xuân cho biết những ngày qua mình hết sức phẫn nộ. “So với nỗ lực của bao nhiêu người đang trực tiếp chống dịch thì việc chỉ phải ngồi yên ở nhà là quá dễ dàng, an toàn và nhân văn. Nhà nước cũng đã hỗ trợ tối đa những gì có thể để nhân dân không phải thiếu thốn hay thiệt hại quá lớn.
Vậy mà, việc ngồi yên ở nhà hợp tác với chính quyền để chống dịch mà họ cũng không làm được. Điều này cần phải chấn chỉnh nghiêm khắc để nỗ lực chống dịch thời gian qua không đổ xuống sông bể.
Phá vỡ những giá trị văn hóa mới xác lập
Thực tế cho thấy, suốt mấy tháng qua, khi dịch bệnh với độ nguy hiểm và cấp bách chưa từng có xảy ra, ngoài một số bất cập ban đầu, người dân và đặc biệt chính quyền đang làm rất tốt công tác chống dịch.
Sau sự “nhiễu loạn” về giá và những hành vi thiếu nhân văn quanh việc bán khẩu trang bị dư luận lên án gay gắt, cơ quan chức năng vào cuộc dẹp yên thì người Hà Nội đã bộc lộ tất cả những phẩm chất tốt đẹp của mình.
Không chỉ tích cực tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân Hà Nội thời gian qua đã xác lập những giá trị văn hóa mới, văn hóa thời dịch bệnh Covid-19. Đó là việc người dân từ các em bé cho đến người già, từ đoàn viên thanh niên đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào hễ có điều kiện là đóng góp, liên tục phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho người không có điều kiện, người ở tuyến đầu chống dịch.
Những việc làm ấy vừa giúp ổn định nhân tâm, góp sức cùng nhà nước chống dịch, vừa tạo nên một bầu không khí chan hòa, ấm áp tình người, giúp đồng bào mình có động lực, niềm tin yêu cùng nhau vượt qua đại dịch này.
Đặc biệt, vào những ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Hà Nội yêu dấu của chúng ta càng khiến các tỉnh thành trong nước và nước ngoài cúi đầu cảm phục về những việc làm nhân văn, tình nghĩa.
Hàng loạt các điểm phát gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm và cả tiền cho người có hoàn cảnh khó khăn được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội để ai cần thì đến lấy. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội, trong đó có những người mất nguồn thu, không đảm bảo cuộc sống.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chút gạo, mắm muối, dầu ăn, rau thịt để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến cam go này, nghĩa “đồng bào” trở nên thiêng liên hơn bao giờ hết.
Các nghệ sĩ, các doanh nghiệp dù hoạt động bị ngưng lại từ đầu năm nhưng cũng rất tích cực quyên góp, ủng hộ quần áo bảo hộ, thực phẩm, công cụ phòng chống dịch cho bộ đội, nhân viên y tế và cả người nghèo… Điều đó cho thấy, biết bao người “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Khó khăn, lao đao, buồn bực, khó chịu là có thật. Chẳng ai mong muốn và chẳng ai có thể ngờ được một ngày câu chuyện như trong phim khoa học viễn tưởng lại xảy ra ngay với bản thân mình.
Không những thế, dịch bệnh còn kéo dài nhiều tháng, cuộc sống đảo lộn. Người lớn không được đi làm, trẻ con không được đến trường, cả một bầu trời lo lắng đang muốn đổ sụp trước mắt.
Người Hà Nội và cả nước không đầu hàng, chúng ta chưa thua trên chiến tuyến này vì chúng ta từ trên xuống dưới đồng lòng. Những giá trị văn hóa mới xác lập cho thấy người Hà Nội nhanh chóng thích nghi và phòng chống dịch với tâm thế và văn hóa được tôi luyện cả ngàn năm văn hiến của mình.
Chỉ vì những người thiếu ý thức đổ ra đường những ngày qua, bao nhiêu công sức từ trước đến nay có thể đổ xuống sông xuống biển, những nỗ lực cầm cự, hạn chế đến mức tối đa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng có thể bị phá vỡ. Cùng với những lỗ hổng văn hóa ấy, thì những giá trị văn hóa mới được xác lập cũng có thể bị lu mờ, giảm tác dụng.
Chờ ngày hát khúc khải hoàn
Lịch sử đã cho chúng ta biết bao nhiêu bài học kinh nghiệm. Bao lần “Thăng Long vườn không nhà trống” đánh giặc phương Bắc, bao lần người Hà Nội sơ tán chạy thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Những khó khăn, thiếu thốn, thậm chí bố mẹ không đi cùng con, trẻ con tự lập, chúng ta vẫn khắc phục được để chiến đấu, sản xuất, học tập và chiến thắng.
Giờ đây, chúng ta không phải sơ tán đi đâu. Mọi người đều tự cách ly tại nhà. Thế giới phẳng, chúng ta cập nhật thông tin, giao lưu với toàn thế giới từ ngôi nhà của mình. Đời sống cũng không quá khó khăn, thực phẩm vẫn đầy đủ, có chăng, điều chúng ta thiếu chỉ là chút quyết tâm và ý thức mà thôi.
Ai trong đời chả mong một lần thành siêu anh hùng giải cứu thế giới. Giờ đây, mỗi người đều có thể trở thành siêu nhân bằng việc đơn giản là ăn, nghỉ tại chỗ. Chỉ cần như thế một thời gian là chúng ta có thể hát khúc khải hoàn, nắm tay nhau nhảy múa mừng ngày hết dịch.
Biết bao người đang chấp hành nghiêm chỉnh, làm những siêu anh hùng “bất đắc dĩ” mà rất đỗi tự hào như vậy. Vì thế, nên chăng chính quyền cũng cần xiết chặt hơn nữa các biện pháp xử phạt để đẩy lùi dịch bệnh.
Còn bản thân những người đang kêu gào buồn chán, lăm le đi ra đường khi không có việc cần thiết, hãy mở mắt nhìn ra thế giới để thấy không đâu được như đất nước mình, thành phố mình. Hãy biết sợ, cho bản thân mình và những người khác.
Những lỗ hổng này nếu không bịt ngay có thể sẽ lan rộng ra, khiến dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, kéo dài và để hậu quả khôn lường hơn nữa. Lúc này, chúng ta cần phát huy hơn nữa nét văn hóa, bản chất nhân văn của mỗi người.
Chỉ khi ấy, ngày thắng “giặc” Covid-19 của chúng ta mới không xa và chịu ít tổn thất nhất.
Theo TTTĐ
Giá xăng, dầu tại kỳ điều hành hôm nay (7/11) được điều chỉnh tăng, mức tăng cao nhất thuộc về dầu diesel.