Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư kỷ lục
Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 434 triệu USD trong kỳ 1 tháng 7, nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7 đạt 5,89 tỷ USD.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đang tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7/2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 15/7) đạt 21,38 tỷ USD, tăng 3,9% so với kỳ 2 tháng 6/2020.
Lũy kế đến hết ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 261,5 tỷ USD. Trong kỳ 1 tháng 7, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 434 triệu USD nâng mức thặng dư luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7 đạt 5,89 tỷ USD.
Về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 7, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 10,91 tỷ USD, giảm 10,4 % so với kỳ trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 6,8 tỷ USD.
Lũy kế đến hết ngày 15/7, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 133,68 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 86,5 tỷ USD.
Tương tự các tháng trước đó, trong kỳ 1 tháng 7, Việt Nam tiếp tục có thế mạnh xuất khẩu ở một số mặt hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 1,76 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,7 tỷ USD; Hàng dệt may đạt 1,41 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 955 triệu USD và giày dép các loại đạt 644 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7 đạt 10,47 tỷ USD, tăng 0,2%. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 5,61 tỷ USD. Lũy kế đến hết ngày 15/7, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 127,66 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị nhập khẩu 71,2 tỷ USD.
Tại cuộc họp Chính phủ với địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các ngành, địa phương phấn đấu không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu, tiếp tục phấn đấu cán mốc trên 500 tỷ USD và giữ cán cân thương mại ở mức xuất siêu. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được khó khăn.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đang tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với Hiệp định EVFTA, hiệp định CPTPP cũng đang mang lại cơ hội xuất khẩu hàng hóa rất lớn. Nửa đầu năm, xuất khẩu sang các thị trường các nước thành viên CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng tích cực khi xuất khẩu sang Australia tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%.
Cơ hội tăng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP tiếp tục mở rộng khi Nhật Bản đã chấp nhận nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2020 và lượng vải sang quốc gia này đang tiêu thụ rất tốt. Bên cạnh đó, Canada cũng lần đầu tiên nhập khẩu trái xoài Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh đó, dòng vốn dịch chuyển sang Việt Nam cũng đang là cơ hội cần quan tâm và tận dụng. Mới đây, LG đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Apple sẽ sản xuất 3 - 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang… Việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này, tạo nguồn hàng chất lượng để xuất khẩu trong thời gian tới.
Linh NgaTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.