Cần có biện pháp xử lý cho các hộ dân nằm trong dự án treo!

Đầu tư và Tiếp thị
10:08 AM 20/05/2021

Quy hoạch treo gây lãng phí tài nguyên đất đai ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, không thực hiện được các kế hoạch phát triển kinh tế theo định hướng, kế hoạch đã định, hạ tầng kỹ thuật giao thông, môi trường, cơ sở vật chất và làm đảo lộn cuộc sống của người dân sống trong vùng đất quy hoạch treo sẽ thiếu thốn vật chất, văn hóa xã hội, cuộc sống không ổn định, cuộc sống thiếu kế hoạch, định hướng lâu dài...

Khổ vì quy hoạch treo kéo dài chính là hậu quả mà dường như ai cũng thấy đối với người dân có đất dính quy hoạch treo. Vì vậy, sẽ cần phải có phương án xóa bỏ các quy hoạch treo và dự án treo để đảm bảo quyền lợi cho người dân có đất nằm trong diện quy hoạch, dự án bị treo, không thực hiện kéo dài.

Cần có biện pháp xử lý cho các hộ dân nằm trong dự án treo! - Ảnh 1.

Một số dự án treo được hủy bỏ (Ảnh internet)

Thực trạng quy hoạch treo

Quy hoạch treo kéo dài, dự án treo tràn lan ở các địa phương trên cả nước, hầu như không có địa phương nào là không có đất quy hoạch treo và các dự án treo. Những quy hoạch treo tồn tại ở hầu hết các địa phương và càng ở khu vực đô thị thì quy hoạch treo càng nhiều bất kể đó là xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Ví dụ, tại Hà Nội có rất nhiều dự án bỏ hoang, chậm triển khai với khoảng hơn 306 dự án và trong số đó có tới gần 300 dự án treo do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, số còn lại triển khai chậm tiến độ, có tranh chấp chuyển nhượng trái pháp luật, tự ý chuyển mục đích sử dụng, để đất bị lấn chiếm…

Do thực trạng quy hoạch treo kéo dài ngày càng gia tăng nên giới bất động sản thường nói có quy hoạch sẽ có quy hoạch treo để nói lên vấn nạn đất quy hoạch treo quá nhiều. Hiện nay có thể thấy các quy hoạch treo 10 năm, 20 năm, 30 năm khiến cho người dân có đất trong vùng quy hoạch khốn đốn, thậm chí là ảnh hưởng tới cuộc sống của 2 thế hệ.

Như trường hợp của ông T.M.Q ở hẻm 189/61/6 Hoàng Hoa Thám có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, xây dựng nhà từ năm 1993 cho đến nay. Mà theo Quyết định 68/QĐ-UBND thành phố Hà Nội thì vị trí nhà và đất của ông thuộc quy hoạch công trình công cộng nên ông không đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ.

Cũng như các hộ dân ở ngõ 15 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội các hộ dân đã sử dụng đất lâu dài có các công trình nổi và công trình ngầm cùng tài sản trên đất đã được UBND phường cùng với chủ trương Nhà nước làm đường do dân đóng góp, sau khi tranh chấp với một số người lạ mặt người dân mới biết khu đất đó là của dự án Sông Hồng Citi được cấp năm 1994, đã được gần 30 năm chưa triển khai.

Giải pháp tháo gỡ cho các hộ dân

"Đất quy hoạch treo có được cấp sổ đỏ không?" là câu hỏi của rất nhiều người có đất dính quy hoạch.

Theo Khoản 8 Điều 49 Luật Đất đai sửa đổi bổ sung 2019: Nếu trong thời hạn 3 năm mà chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì phải có điều chỉnh, hủy bỏ và công bố hủy bỏ thu hồi/chuyển mục đích sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất.

Để giải quyết quy hoạch "treo", dự án "treo", theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thành phố cần rà soát, phân loại dự án gồm không khả thi hoặc chưa cấp thiết triển khai. Với những quy hoạch sai lầm ngay từ đầu hoặc không mang tính khả thi và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì nên xóa bỏ. Sau khi xóa bỏ, thành phố nên tiến hành ngay một quy hoạch, chỉnh trang những khu dân cư hiện hữu. Chẳng hạn cho phép người dân cải tạo, sửa chữa nhưng vẫn nằm trong định hướng quy hoạch chung của thành phố. Riêng một số dự án "treo" do tính cấp thiết cần giữ lại thì phải có phương án tháo gỡ.

Cũng liên quan đến quy hoạch "treo", dự án "treo", mới đây tại buổi chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định: Hiện các tỉnh, thành như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng vẫn có hàng trăm dự án, quy hoạch treo. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Luật Xây dựng sửa đổi đã cho phép người dân có thể được cấp phép cải tạo, xây dựng nhà ở có thời hạn, nếu dự án sau 3 năm vẫn không thực hiện. Thậm chí, nếu trong thời hạn này, quy hoạch vẫn không thực hiện được thì người dân vẫn tiếp tục được thực hiện giấy phép đã được cấp.

Đối với đất dính quy hoạch treo chỉ có thể làm sổ đỏ khi có công bố hủy bỏ thu hồi đất, lúc đó người sử dụng đất mới có thể làm thủ tục xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) mà thôi.

Vì vậy dự án dù có xóa treo hoặc vẫn duy trì cũng phải được công khai hàng năm để dân biết, dân giám sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng dự án ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cần kiên quyết thu hồi đối với các dự án mà chủ đầu tư "chây ì", không hợp tác; nhận đất theo kiểu "xí phần" rồi tìm cơ hội bán lại dự án.

"An cư mới lạc nghiệp", người xưa đã từng dạy. Người dân nào cũng mong muốn điều này. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm cùng với người dân vùng dự án, giải quyết các nút thắt để khai phóng nguồn lực đất đai, không để đất bị hoang hóa, lãng phí.

Hà Loan
Ý kiến của bạn