Cần cơ chế, chính sách kịp thời và đủ lớn để phát triển ngành hàng không
Quá trình phục hồi của ngành hàng không vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn nên cần có những giải pháp căn cơ từ chính sách của Nhà nước.
Hàng không Việt bước vào giai đoạn chạy đà
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%. Khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%.
Sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700-800 chuyến bay.
Với thị trường quốc tế, sau khi mở cửa du lịch hoàn toàn và chương trình miễn thị thực cho công dân nhiều quốc gia, năm tháng vừa qua, lượng khách quốc tế đang từng bước phục hồi khi đạt 1,3 triệu lượt, xấp xỉ 10% so với 2019.
Với tốc độ tăng trưởng như trên, theo công bố của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.
Các chuyên gia ở Hiệp hội Vận tải hàng không đánh giá, với thị trường Việt Nam, dự kiến sẽ có những dấu hiệu tích cực cả ở thị trường nội địa và quốc tế.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), hàng không Việt Nam có thị trường nội địa đầy tiềm năng và cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn. Xu hướng bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không từ “du lịch phục thù” sau thời gian giãn cách do dịch bệnh có thể giúp các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đẩy mạnh hoạt động, từ đó nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Ông Nề kỳ vọng, khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn "chạy đà" trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế.
Cần cú hích đủ mạnh, kịp thời để hàng không Việt bứt phá
Việc mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi du lịch đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.
Triển vọng phát triển hàng không Việt Nam trong năm nay và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng.
Tuy nhiên, đà hồi phục của các hãng hàng không còn nhiều trắc trở. Đầu tiên là giá nhiên liệu tăng quá cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 khiến phần chi phí tăng thêm của các hãng là vài ngàn tỉ đồng.
Thứ hai là thị trường quốc tế đi đến Việt Nam. Mặc dù Chính phủ đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh và cách ly, song do tình hình dịch bệnh còn khó lường, các hạn chế về nhập cảnh và cách ly của các thị trường chính của Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc khiến tốc độ hồi phục của thị trường quốc tế còn chậm, đặc biệt trong nửa đầu 2022.
Trong các giai đoạn sau, ngay cả khi phục hồi, tốc độ phục hồi dự kiến sẽ chậm do khách du lịch, vốn chiếm tới 70% lượng khách, chưa thể phục hồi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cơ chế, chính sách kịp thời và đủ lớn để tạo "lực đẩy" cho ngành hàng không nắm lấy cơ hội bứt phá, vượt lên trước các đối thủ trong khu vực đang phục hồi khó khăn hơn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xem xét kiến nghị của các hãng hàng không về việc áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Bên cạnh đó, kiến nghị của các hãng hàng không về việc phụ thu nhiên liệu, điều chỉnh trần giá vé máy bay trên chặng nội địa cần được nghiên cứu, ban hành để phù hợp với thực tế khai thác cũng như thông lệ quốc tế.
Minh An (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.