Cần cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho các doanh nghiệp SME

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:44 PM 24/04/2020

Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp SME trong bối cảnh hiện nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng .

- Thưa ông, với gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng, tính đến nay theo báo cáo của NHNN, các ngân hàng đã cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên 62.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng... Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Theo thông tin tôi nhận được thì đến ngày 17/4, gói 300.000 tỷ đồng đã lên đến 600.000 tỷ đồng, vì rất nhiều ngân hàng đã đăng ký gói hỗ trợ này.

Vấn đề hiện nay là NHNN tính toán như thế nào trong gói tín dụng này? Nếu gói này bao gồm những khoản vay mới thì là điều rõ ràng, còn những khoản vay đã và đang hiện hữu trên sổ sách và ngân hàng chỉ giảm lãi hoặc giữ nguyên nhóm nợ, hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì không nên tính gộp vào gói tín dụng này. Bởi nếu làm như vậy, gói tín dụng này có lẽ sẽ lên đến hàng nghìn triệu tỷ đồng, chứ không chỉ dừng lại ở những con số 300.000 tỷ đồng hay 600.000 tỷ đồng.

Do vậy, nếu có những điều chỉnh nào để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, được cộng vào gói tín dụng này là hợp lý.

Ngoài ra, cần phải xác định được rõ ràng đối tượng nào được hưởng ưu đãi của ngân hàng. Nghĩa là cần phải phân định rõ doanh nghiệp nào đang chịu tác động bởi dịch bệnh để được hưởng gói tín dụng này, nếu không sẽ không bao giờ đủ tiền hỗ trợ, do dự nợ tín dụng hiện đã lên đến 8 triệu tỷ đồng.

Tóm lại, gói 300.000 tỷ đồng chỉ nên bao gồm những khoản cho vay mới và những hoạt động nào mà ngân hàng phải chịu phí tổn thì mới hợp lý.

- Như ông đã trả lời trước đây, nếu hết tháng 4 nhiều doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ, sẽ có nguy cơ bị phá sản. Vậy theo tốc độ giải ngân hiện nay, liệu thời hạn này có thể đảm bảo?

Hiện nay, các doanh nghiệp SME đang rất khó khăn trong việc vay ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp đang lao đao do dịch bệnh. Đây chính là những doanh nghiệp cần tiền hơn ai hết. Tuy nhiên, ngân hàng không phải cơ quan từ thiện, họ hoạt động dựa trên 2 tiêu chí là lợi nhuận và an toàn, bởi tiền của ngân hàng được hình thành từ nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân, chứ không phải là tiền ngân sách.

Theo tôi, nếu đến cuối tháng 4 mà doanh nghiệp không nhận được sự cứu trợ từ Chính phủ, thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động. Do đó, trước mắt Chính phủ cần dành một gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương với 2% GDP của Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp SME. 

Tuy nhiên, gói này không thể giao cho các ngân hàng thương mại. Bởi nếu giao cho các ngân hàng thương mại thì với những quy chế chặt chẽ về tín dụng thì gói này có lẽ không giúp nhiều được cho các doanh nghiệp SME đang khó khăn. Do đó, gói này phải là tiền từ ngân sách với cơ chế như Chính phủ ủy thác cho các ngân hàng giải ngân...

- NHNN đã chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính nhưng không nới lỏng điều kiện thẩm định tín dụng. Theo ông, sẽ có bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp SME đáp ứng được điều kiện này?. Có giải pháp nào để ngành ngân hàng vẫn giữ được chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro nhưng vẫn hỗ trợ được doanh nghiệp?

Thứ nhất, tôi hoàn toàn đồng ý với Thống đốc NHNN ở chỗ không thể nới lỏng điều kiện cho vay được. Do các ngân hàng có trách nhiệm với cổ đông, với khách hàng gửi tiền cho họ. Họ có trách nhiệm bảo toàn vốn chủ sở hữu của cổ đông và vốn huy động từ các khách hàng gửi tiền.

Chính vì trách nhiệm đó mà ngân hàng không thể cho vay rộng rãi được, họ cần phải có chỉ tiêu. Và vào thời điểm này, các chỉ tiêu đó lại càng cần phải siết chặt hơn trong điều kiện vay vốn.

Các khoản vay của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn có thể trở thành nợ xấu đối với ngân hàng. Do vậy, ngân hàng không thể nới lỏng điều kiện thẩm định tín dụng được nhưng có thể nới lỏng thủ tục cho vay, chẳng hạn rút ngắn thời gian xét duyệt khoản vay, giảm thời gian giải ngân, thẩm định hồ sơ, tài sản bảo đảm.... Theo tôi, cần tăng tốc các hoạt động nghiệp vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp.  

- Ông đánh giá như thế nào về tín dụng vay mới với dư nợ trên 500.000 tỷ đồng, trong khi thống kê tăng trưởng tín dụng nửa đầu tháng 4 là âm, lũy kế chỉ tăng gần 0,8%, rất thấp so với cùng kỳ? Liệu với nền kinh tế đang tái khởi động trở lại, tín dụng sẽ tăng tốc dù không nới lỏng điều kiện?

Chúng ta không thể kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam như một cái “công tắc điện”, chúng ta tắt đi thì mọi hoạt động kinh tế ngưng và ngược lại khi bật lên mọi hoạt động của kinh tế bật dậy hoạt động bình thường. Chúng ta phải xác định sự bật dậy của nền kinh tế phải từ từ.

Việc tín dụng vay mới với dư nợ trên 500.000 tỷ đồng trong hơn 3 tháng đầu năm 2020 rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và có thể tiếp tục ở mức thấp trong quý 2 này. Nhưng đây là điều chúng ta phải chấp nhận do Việt Nam không thể mở cửa nền kinh tế một cách đại trà, để tránh việc bùng phát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

- Khoản gia hạn nợ 2.000 tỷ đồng và dư nợ vay mới 18.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội đồng nghĩa đã có nhiều khách hàng tiếp cận lãi suất rất thấp. Tuy nhiên với khó khăn của nhiều thành phần hiện tại, nên chăng nhà nước có giải pháp hỗ trợ, bổ sung thêm từ nguồn này, thưa ông?.

Như tôi đã nói, các ngân hàng hoạt động phải đảm bảo lợi nhuận và bảo toàn được đồng vốn, còn với ngân hàng chính sách vốn là của chính phủ, nhưng các ngân hàng đó cũng có điều kiện cho vay, thẩm định rất chặt chẽ để tránh nợ xấu và chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Do vây, nếu các gói hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự chỉ dùng cho các khoản vay mới, dành cho các doanh nghiệp SME và có những điều kiện dễ dàng hơn thì rất tốt. Điều kiện dễ dàng hơn cũng phải xuất phát từ Chính phủ, chứ không thể bắt các ngân hàng cho vay với những điều kiện ngặt nghèo như hiện nay.

Như vậy, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng đặc biệt cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME, và cũng phải chấp nhận việc các doanh nghiệp không trả được nợ trong bối cảnh khó khăn chung. 

Xin cảm ơn ông!

Theo DĐDN

Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.