Cần có chiến lược tiếp thị sản phẩm OCOP

Tiếp thị
05:41 PM 03/08/2022

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương nhằm nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập của người dân sinh sống ở các vùng nông thôn, miền núi nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trọng tâm của Chương trình OCOP Việt Nam là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, gắn với các chủ thể tham gia là các thành phần kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Không thể phủ nhận trong những năm vừa qua, Chương trình OCOP đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đến hết năm 2021, cả nước có 63/63 tỉnh phê duyệt đề án, kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh; 62 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (gấp 1,66 lần so với năm 2020). 

Cần có chiến lược tiếp thị sản phẩm OCOP  - Ảnh 1.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Mộc Châu

Các sản phẩm của địa phương được chứng nhận OCOP ngày càng chiếm được lòng người tiêu dùng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình xúc tiến thương mại. Điều đó giúp cho người tiêu dùng có nhiều cơ hội và sự lựa chọn thụ hưởng các sản phẩm từ khắp mọi miền trên cả nước. Chính vì vậy mà lĩnh vực đầu tư vào các các trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng mạnh hơn.

Các sản phẩm OCOP đang phát triển theo 6 nhóm chính gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng. Các nhóm sản phẩm này đều phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân nên nhà sản xuất đã và đang áp dụng tối đa các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong các khâu để để chất lượng sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Cần có chiến lược tiếp thị sản phẩm OCOP  - Ảnh 2.

Trang trại du lịch bò sữa Dairy Farm

Tuy nhiên, để nâng cao được giá trị và hiệu quả kinh tế, ngoài việc phát triển sản phẩm thì việc tiếp thị sản phẩm, thương hiệu đóng một vai trò rất quan trọng. Một số sản phẩm OCOP đã đạt những thành tích rất đáng ghi nhận, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như nước mắm Lê Gia, vải thiều Lục Ngạn…

Các sản phẩm OCOP với nguồn lực doanh nghiệp còn hạn chế cũng là một trong những khó khăn cần phải có những giải pháp  khắc phục. Trong thời gian vừa qua, các hoạt động quảng bá sản phẩm đang được sự hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình xúc tiến sản phẩm OCOP được các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực tuyên truyền đã phần nào giúp cho sản phẩm được đông đảo người dân biết đến. Nhiều sản phẩm OCOP đã có thông tin trên website hay trên môi trường mạng Internet nên đã tiếp cận nhanh đến thị trường hơn, như Website ketnoiocop.vn của Bộ NN&PTNT là  nơi kết nối các sản phẩm OCOP với người tiêu dùng và các tài liệu đào tạo.

Sản phẩm OCOP tuy đã được thị trường trong nước tin dùng, nhưng sức cạnh tranh cũng đang tạo cho các địa phương có sản phẩm áp lực không nhỏ về đầu ra. Bởi trên thị trường hiện nay, nhiều sản phẩm cùng ngành hàng với các sản phẩm OCOP được các công ty lớn đang đầu tư rất nhiều cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, quảng cáo, PR, khuyến mãi, chăm sóc, hậu mãi và chọn điểm bán rất đắc địa, bài bản v.v.

Cần có chiến lược tiếp thị sản phẩm OCOP  - Ảnh 3.

Ông Vi Văn Sìn xã Giáp Sơn huyện Lục Ngạn, Bắc Giang trồng hơn 3 mẫu vải thiều, mỗi năm thu hoạch từ 8 đến 10 tấn vải

Nhiều địa phương cũng đang nghiên cứu và hướng dẫn doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, phát triển các phương thức tiếp cận thị trường. Thực tế cho thấy các sản phẩm OCOP trên thị trường hiện nay ở các trung tâm thương mại, siêu thị, các đại lý, chợ truyền thống, các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ chưa thực sự nổi bật. Người tiêu dùng sau khi biết đến sản phẩm ở các hội chợ, chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm nhưng cũng sẽ rất khó để thường xuyên mua.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các phương thức bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua các hình thức livestream trên các mạng xã hội, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng đang được áp dụng tuy nhiên chưa thực sự phổ biến. Một khó khăn nữa về tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP đó là câu chuyện về sản phẩm. Câu chuyện sản phẩm đó là nghệ thuật kể chuyện bằng từ ngữ, hình ảnh hay video để khơi gợi ở người nghe sự tưởng tượng và đồng cảm về thông điệp mà địa phương, doanh nghiệp đó muốn truyền tải - Đây là phương pháp được rất nhiều các hãng lớn sử dụng rất nhiều cho các chiến dịch truyền thông nhằm tác động tới cảm xúc của người tiêu dùng, giúp truyền tải thông điệp về sản phẩm cũng như văn hóa địa phương một cách rõ nét. 

Cần có chiến lược tiếp thị sản phẩm OCOP  - Ảnh 4.

Vải thiều Lục Ngạn đã được trung tâm chiếu xạ Hà Nội chiếu xạ để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu

Trong bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP có thể thấy rằng, điểm dành cho tiếp thị chiếm đến 25% nhưng hiện nay tiêu chí này vẫn chưa thực sự được chú trọng đúng mức. Trao đổi với một số chủ hộ kinh doanh sản phẩm được chứng nhận OCOP, họ cho biết: Số lượng sản phẩm bán ra hiện nay có tăng lên, thương hiệu cũng được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, nhưng chưa thực sự có bước đột phá. Họ cũng đã và đang miệt mài, gắng sức để tham gia các chương trình xúc tiến, tuy nhiên hiệu quả mang lại vẫn chưa tương xứng với khả năng sản xuất.

Thiết nghĩ: Để mang thương hiệu sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng trước tiên các đơn vị sản xuất cần phải thực hiện các quy trình sản xuất tạo chất lượng sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm hấp dẫn thị hiếu các đối tượng tiêu dùng và rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác quảng bá, tuyên truyền nâng cao vị thế của sản phẩm, của địa phương. Ngoài ra với sức mạnh nội tại của mình, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm OCOP cũng cần tìm tòi, nghiên cứu thị trường, tìm ra thị hiếu thị trường theo đặc thù riêng của mỗi sản phẩm để chuyên biệt hóa sản phẩm, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng.

Câu chuyện sản phẩm cũng cần được đầu tư tương xứng. Các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một câu chuyện sản phẩm nói lên được chất lượng sản phẩm đồng thời giúp quảng bá văn hóa địa phương. Như ở Điểm giới thiệu sản phẩm Sữa bò Mộc Châu, những người bán hàng đã có những bài thuyết minh như "rót mật vào tai" khách hàng mỗi khi ghé thăm. Hỏi ra mới biết là chủ trang trại nuôi bò đã dày công giao lưu với các nhà văn, nhà báo trao đổi những trăn trở của mình từ khi có ý tưởng đầu tư đến khi tạo lên thương hiệu và mở các đại lý, gian hàng giới thiệu sản phẩm thế nên mới có nhiều câu chuyện rất hay về sản phẩm và các quy trình như nuôi bò, vắt sữa v.v.

Nhật Thăng - Tiến Đạt
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách Hà Nội đứng đầu cả nước về thu ngân sách

Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.