Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA

Sự kiện
10:25 AM 27/08/2020

Bộ Tài chính cho biết đã có 9 bộ ngành đề nghị trả lại vốn ODA với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán được giao. Với tiến độ giải ngân như hiện nay Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng nếu các bộ, ngành không có giải pháp quyết liệt thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, với nỗ lực của các bộ ngành, tỉ lệ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2019 tuy nhiên, nếu so với kết quả giải ngân vốn đầu tư trong nước (hiện là 40% kế hoạch) thì tỉ lệ giải ngân ODA thấp hơn.

Bộ Tài chính cho biết đã có 9 Bộ, ngành đề nghị trả lại vốn ODA (có 8 bộ đã có văn bản chính thức) với tổng vốn 3.700 tỷ đồng, chiếm 32% dự toán được giao. Ngoài Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) trả hơn 1.800 tỷ đồng, hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận một số đề xuất hủy, cắt giảm vốn như: Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển 330,5 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Dự án giải ngân quá chậm; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đề nghị giảm 50 tỷ đồng vốn nước ngoài đã giao cho Dự án Phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc để bổ sung cho các dự án khác cần vốn.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân đạt tiến độ nhanh nhất, dự kiến đến hết tháng 8/2020 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7%.

Bộ GTVT có số vốn rất lớn cần giải ngân trong năm nay với số vốn lên đến hơn 21 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Bộ này vẫn cho rằng, so với kế hoạch thì nhận tỉ lệ giải ngân chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu.  Bộ GTVT lý giải, nguyên nhân giải ngân vốn ODA chậm là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động đến các chuyên gia nước ngoài tới hỗ trợ kỹ thuật thiết kế… dẫn đến từ đó ảnh hưởng đấu thầu, giao thầu dự án chậm.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc xảy ra như dịch COVID-19 khiến các thủ tục kỹ thuật triển khai đấu thầu chưa thực hiện được. Bên cạnh đó các dự án nông nghiệp chủ yếu là nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương nên chậm hơn so với tiến độ dự án. Đến cuối tháng 6 các địa phương mới bố trí khoảng 69% vốn đối ứng địa phương.

Với tốc độ giải ngân như hiện nay và những khó khăn vướng mắc nêu trên, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng, nếu các bộ, ngành không có giải pháp quyết liệt thì sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội, Chính phủ giao.

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh minh họa

Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh minh họa

Có nhiều lý do để các bộ, ngành xin trả lại nguồn vốn ODA, theo Bộ Tài chính, một nguyên nhân chậm giải ngân cũng phải kể tới là bên cạnh việc thực hiện giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2020, các bộ, ngành còn tập trung giải ngân dự toán đã được giao của năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành đã giải ngân phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn của năm 2019 là 2.420 tỷ đồng.

Một vướng mắc của rất nhiều bộ ngành là vấn đề chậm hoàn chứng từ đối với các khoản Chính phủ Việt Nam đã nhận nợ với nhà tài trợ nước ngoài. Qua các đợt làm việc, rà soát trực tiếp với các chủ dự án hai tháng vừa qua, Bộ Tài chính đã yêu cầu hoàn trả lại nhà tài trợ những khoản đã rút về tài khoản đặc biệt nhưng chưa sử dụng và chậm hoàn chứng từ trị giá xấp xỉ 190 tỷ đồng.

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác như: Chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư, giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, các vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới cũng làm cho việc giải ngân đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài bị chậm.

Để bảo đảm phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã kiến nghị nhiều giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính và các bộ, ngành.

Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương cần coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ, ngành và có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Trong trường hợp dự kiến không giải ngân hết 100% kế hoạch, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành chỉ đạo xác định rõ tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt được và lý do không đạt được.

Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cân đối chung trong cả giai đoạn 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao.

Với trường hợp phải cắt giảm, điều chuyển vốn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành phải có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8/2020.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm.

Từ nay tới cuối năm các bộ, ngành sẽ tổ chức giao ban hằng tháng và cùng nhau ngồi rà soát, xét kĩ hơn về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài để các khó khăn, vướng mắc được khắc phục một cách triệt để nhất.

PV
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.