Tại tọa đàm "Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động" do Thông tin Chính phủ tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã thẳng thắn chỉ ra 3 điểm yếu - "3 lời nguyền" của ngành nông nghiệp nước ta. Đó là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất theo lối mòn, thì ngành nông nghiệp sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.
“Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa,…”, Bộ trưởng nói.
Nhiều khi chúng ta luôn mặc định đã làm nông nghiệp thì phải sản xuất quy mô lớn. Nhưng bây giờ chưa chắc điều đó đã đúng, nhất là sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp chia nhỏ năng lực sản xuất ra để hoạt động. Ví dụ doanh nghiệp chia nhỏ các nhà máy sản xuất, để nếu xuất hiện F0 ở nhà máy này, và buộc phải ngừng hoạt động được thì cũng đã có nhà máy khác thay thế sản xuất.
Giống như trước kia, người ta quy hoạch đại đô thị, nhưng trong bối cảnh này, đại đô thị lại rất bất cập, nên người ta chia nhỏ và kết nối các đô thị lại với nhau. Đây là lúc chúng ta không chạy theo số lượng, mà phải hướng tới chất lượng của sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước 3 chữ biến:
Thứ nhất, biến đổi khí hậu.
Thứ hai, biến đổi thị trường về ngoại giao, quan hệ thương mại… Chúng ta không thể nghĩ thị trường nào chúng ta cũng chiếm lĩnh được hết.
Thứ ba, biến chuyển xu thế tiêu dùng, hiện giờ xã hội đang hướng tới "tiêu dùng xanh", nếu mình cứ loay hoay mùa vụ, tăng sản lượng, rồi tính xem năm nay năng suất bao nhiêu, thì chúng ta không thể bán được cái xã hội cần.
Trước đó, anh Mai Thanh Thái - Co-founder kiêm Giám đốc kinh doanh của FoodMap từng chỉ ra, bản thân các nhà cung cấp nông sản và các đơn vị sản xuất Việt Nam chưa xem trọng việc làm thương hiệu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng và các nhà phân phối cũng thiếu thông tin sản phẩm, ví dụ như chất lượng, năng lực sản xuất của đầu vào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, sau khi làm việc với các địa phương, ban ngành, Tổng cục Thống kê... thì tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn góp phần quan trọng trong cán cân kinh tế chung của cả nước.
Đặc biệt, thời gian qua, sau khi phải đối diện với nhiều thách thức như: chi phí đầu vào tăng, sự đứt gãy chuỗi logistics... bước đi của nông nghiệp đã có tầm nhìn chiến lược mới.
Đó không phải là quy hoạch ngành hay phải nâng tỷ trọng ngành này, hạ tỷ trọng ngành kia, mà phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Đồng thời, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp từ tăng sản lượng sang tư duy kinh tế, với mục tiêu tăng giá trị sản phẩm.
Nhấn mạnh thêm về ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định dự địa của ngành nông nghiệp còn rất lớn. Tuy nhiên, nhưng bước đi của ngành trong giai đoạn 2021-2025 phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 đến 3%, kim ngạch xuất khẩu 48 đến 50 tỷ USD, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian tới ngành xác định tạo những bước chuyển mạnh mẽ. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp trong bối cảnh mới.
Trong đó, 5 bước chuyển quan trọng giúp giải "lời nguyền" của ngành đó là: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”; coi nông nghiệp là ngành kinh tế, mục tiêu cốt lõi là hiệu quả.
Chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”.
Chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.
Chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang “tích hợp đa ngành”, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị ”.
Chuyển từ “hỗ trợ đầu vào” sang “vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra”. Bên cạnh thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu còn chú trọng phát triển thị trường nội địa với sức tiêu thụ của khoảng 100 triệu dân, Bộ trưởng nhìn nhận.
Chúng ta đã bắt đầu khơi thông được mục tiêu đó, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình, để nông nghiệp không chỉ là 1 lĩnh vực sản xuất, mà còn tích hợp "đa giá trị" trong đó cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bản thân xã hội là nguồn lực, văn hóa cũng là nguồn lực. Khi tri thức hóa người nông dân, chúng ta sẽ tạo ra cộng đồng năng động hơn, điều đó cũng sẽ trở thành nguồn lực lớn mạnh cho xã hội.
Hợp tác xã là giải pháp để chuyển đổi nông nghiệp. Hợp tác xã là một trong những giải pháp giúp vượt qua lời nguyền "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát". Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ. Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể. Đến một ngày nào đó, với một năng lực nào đó, hợp tác xã sẽ "ngồi ngang hàng" với các doanh nghiệp để đàm phán vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp.
Theo nhiều cách khác nhau, chúng ta đang cùng dựng xây và vận hành “hệ sinh thái nông nghiệp”, với vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp.
Trong khi cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ doanh nghiệp đến người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ quán tính “tự cung tự cấp” sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn kiến thức kinh tế, cập nhật thông tin thị trường cho cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành. Đó là mối quan hệ tương hỗ và bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải “xin cho”. Như vậy, với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp là đối tác đồng hành, hoàn toàn không phải đối tượng để quản lý.
Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức ngành nông nghiệp cần chia sẻ, thấu hiểu rằng: các rào cản, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải cũng là trở lực cho sự phát triển một ngành nói riêng và của cả nền kinh tế đất nước nói chung.
Cần biết ghi nhận, trân trọng thành quả của doanh nghiệp nông nghiệp như thành tựu của ngành nông nghiệp. Cần biết trăn trở về việc đem đến sự hài lòng của doanh nghiệp là thước đo hoàn thành nhiệm vụ. Chính thái độ cầu thị, tôn trọng của cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp đến đầu tư, không chỉ hướng đến doanh thu, lợi nhuận, mà còn ý thức về trách nhiệm hỗ trợ các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khơi gợi tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp, lan toả tri thức, nâng cao chất lượng sống người nông dân, chung tay tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp.
Song song đó, chúng ta phải thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, với phương pháp rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu. Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Bởi công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo chia sẻ của Giám đốc kinh doanh FoodMap, ứng dụng công nghệ phải gồm nhiều giai đoạn ứng với từng mắt xích trong từng giai đoạn khác nhau. Vừa cần phải cần có tư duy của người hiện đại vừa phải am hiểu cách làm truyền thống của ngành nông nghiệp Việt Nam, thì mới có thể ứng dụng công nghệ nhuần nhuyễn. Muốn thành công trong ngành nông nghiệp phải xây dựng chiến lược gần khách hàng hơn, quan hệ một cách sâu rộng hơn với nhà cung cấp. Vậy nên, số hóa nông nghiệp hay ứng dụng công nghệ vào các kênh phân phối cũng phải làm từ từ.
Trong bối cảnh giá cả nông sản, lương thực thế giới biến động mạnh, nguồn cung thiếu bền vững và xu thế tiêu dùng thay đổi, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện mạng lưới thương mại điện tử hướng ra toàn cầu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại các kỹ năng số, hình thành mạng lưới, khởi tạo diễn đàn, thúc đẩy cam kết sản xuất, thu hút đầu tư công nghệ cao và thân thiện môi trường, đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.
Nội dung - Đồ họa: Hồng Nhung