Cần giải ngân trên 290.000 tỷ đồng trong giai đoạn nước rút
Trong bối cảnh nhiều địa phương phải giãn cách xã hội vì dịch bệnh, 7 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 37%. Do đó trong giai đoạn tiếp theo, cần tăng tốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7 mới đạt 169.335,05 tỷ đồng, như vậy, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 mới đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn gần 4% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp, đạt 7,52%, thấp hơn cùng kỳ gần 10%.
Như vậy, còn 2/3 số vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương trên 290.000 tỷ đồng cần phải giải ngân trong giai đoạn nước rút...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ. ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, Nghị định 79 sửa đổi quy định về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng vừa được Chính phủ ban hành.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, ngành địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; Rà soát, phân bổ vốn đảm bảo không dàn trải, kéo dài; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị cố tình làm chậm tiến độ giải ngân; Thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và chủ tịch UBND các cấp đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả thực hiện được; Tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ các khó khăn trong thủ tục nghiệm thu thanh toán, điều chuyển vốn ngay cho các dự án giải ngân tốt.
Trao đổi tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng bày tỏ sự lo lắng khi bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Song, không thể đổ lỗi chậm giải ngân vì đại dịch COVID-19 diễn biến dai dẳng, mà nhiều năm qua, “căn bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn về đích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư phải bổ sung các mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ các công trình, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm quốc gia. Vụ Kế hoạch Đầu tư phải thường xuyên rà soát, kiểm điểm các dự án giải ngân chậm, để điều hòa vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn hoặc thiếu vốn. Mục tiêu phải hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021.
Bộ GTVT mới đây cũng đã đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho các luồng vận chuyển nguyên vật liệu đến các công trình. Đồng thời, đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân nếu để tình trạng chậm giải ngân xuất phát từ phía chủ quan.
Ông Đỗ Đình Phan, Trưởng phòng Giám sát 2, Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Hà Nội, cho biết: "Đối với dự án chậm tiến độ vướng mặt bằng không khởi công được thì điều chỉnh, điều hoà cho các dự án có khối lượng khởi công đặc biệt như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã bố trí 600 tỷ đồng, đến nay chúng tôi đã giải ngân 100% và nay đến cuối năm chúng tôi tiếp tục thi công trong mùa lũ vượt nắng thắng mưa và dự kiến giải ngân thêm 300 tỷ để bù được giải ngân chậm của các dự án khác".
Ông Lê Linh, Giám đốc Ban điều hành dự án công ty Trung Chính, gợi ý sau khi thi công xong thì lập hồ sơ và phối hợp với các bên để tiến hành nghiệm thu thanh toán. Việc giải ngân kịp thời giúp cho dòng tiền của các nhà thầu lưu thông và sẽ đáp ứng được tiến độ thi công tổng thể.
An Mai (t/h)Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.