Cần giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU nửa cuối năm 2021

Đầu tư và Tiếp thị
07:11 PM 22/07/2021

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU nửa đầu năm 2021 tăng trưởng ở mức 20%, nhưng theo các chuyên gia dự báo, 6 tháng cuối năm khó duy trì được ở con số như đầu năm.

Những tín hiệu khả quan

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường EU tăng 20% đạt trên 486 triệu USD, trong đó, XK các sản phẩm hải sản khai thác tăng 24% đạt 154 triệu USD (chiếm 32%), thuỷ sản nuôi trồng tăng 18% đạt 333 triệu USD (chiếm 68%).

Trong đó, mặt hàng tôm chiếm tỷ trọng cao nhất với 52,5% tổng kim ngạch thuỷ sản sang EU với 256 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tôm chân trắng trên 205 triệu USD, tăng 31%, tôm sú 36,5 triệu USD, tăng 15%, còn lại là các loại tôm biển và tôm hùm.

photo-1626943051554

6 tháng đầu năm 2021, XK thuỷ sản Việt Nam sang thị trường EU tăng 20% đạt trên 486 triệu USD

Cá ngừ là mặt hàng có giá trị XK lớn thứ hai sang EU với trên 74 triệu USD, tăng 31%, chiếm trên 15%. XK các loại cá biển khác sang EU chỉ chiếm 7% với khoảng 33 triệu USD, tăng 21%. Trong đó, chủ yếu là cá tuyết với gần 5 triệu USD là sản phẩm gia công từ nguyên liệu nhập khẩu từ nước khác.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (VASEP.PRO) phân tích, trong khi thị trường EU đang hồi phục nhu cầu, XK các sản phẩm thuỷ sản sang các nước này đều tăng thì XK cá tra vẫn giảm 18% so với cùng kỳ đạt gần 58 triệu USD, chiếm chưa tới 12% XK thuỷ sản sang EU. XK cua, ghẹ và giáp xác khác sang EU cũng giảm một nửa xuống còn dưới 2,5 triệu USD, chủ yếu là XK ghẹ giảm 44%.

XK mực, bạch tuộc, nghêu, cá ngừ và các loại cá biển khác sang thị trường EU trong nửa đầu năm mang lại kim ngạch khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mực tăng 56% đạt gần 21 triệu USD, bạch tuộc tăng 33% đạt 5,5 triệu USD. XK nghêu sang EU tăng mạnh 45% đạt 33 triệu USD, đây cũng là mặt hàng quan trọng XK sang EU, chiếm 7%.

Hiện kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vắc xin chống Covid-19 và các gói hỗ trợ sau đại dịch. Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm. Việt Nam có thế nắm bắt được cơ hội này đẩy mạnh XK sang thị trường EU nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid -19 đang bùng phát ở TPHCM và một số tỉnh ĐBSCL.

"Với thực trạng diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 như hiện nay, một số doanh nghiệp thủy sản đã phải tạm ngừng hoạt động do có ca FO, cùng với vấn đề thẻ vàng IUU, XK thuỷ sản sang EU nửa cuối năm không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm’, bà Hằng nhấn mạnh.

Bàn giải pháp thúc đẩy thủy sản sang EU

Thị trường EU hiện là thị trường XK thuỷ sản lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm trên tỷ trọng 11%. Trong đó, những thị trường chi phối trong khối này là Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy là những thị trường chính tiêu thụ tôm và cá ngừ của Việt Nam.

EU chiếm trên 14% XK tôm của Việt Nam, đứng thứ 3 sau thị trường Mỹ, Nhật Bản. Đối với cá ngừ, EU chiếm 21% đứng sau Mỹ. EU chỉ còn chiếm 7,4% tổng XK cá tra của Việt Nam. Chỉ với mặt hàng nghêu XK, EU chiếm vị trí "thống trị" với trên 70% XK của Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp, hiện nay, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Một số thị trường tăng cường kiểm soát hàng đông lạnh (bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm), số lô hàng bị cảnh báo gia tăng.

photo-1626943059658

EU là thị trường xuất khẩu thủy sản đầy tiềm năng của Việt Nam. Ảnh minh họa

Để nắm bắt được cơ hội và thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng như các thị trường khác trong thời gian tới, ông Tiệp cho biết: Các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Các địa phương tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất...

"Thời gian tới, nhu cầu về sản phẩm thủy sản tươi sống tiếp tục giảm, thay vào đó, các thị trường hướng tới những sản phẩm đóng hộp, hàng khô, hàng bảo quản... với giá cả phù hợp cho việc tiêu thụ tại các kênh bán lẻ. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến thủy sản, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đóng hộp...; đồng thời, dự trữ nguyên liệu, kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa", ông Tiệp nhấn mạnh

Ngành thủy sản cần quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu; đồng thời đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh...

Và một điều không thể không nói đến là cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của thị trường; đồng thời, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn