Cần “gỡ khó” cho doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn
Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp mới được 28% kế hoạch, thoái vốn nhà nước còn chậm. Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong triển khai và làm cơ sở xây dựng, phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Cổ phần hóa mới được 28% kế hoạch, thoái vốn nhà nước còn chậm
Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 7 tháng năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của 6 doanh nghiệp (DN), trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Tính lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã CPH chỉ có 37/128 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch 5 tháng còn lại của năm 2020 là 91 doanh nghiệp. Trong đó, Hà Nội có 13 doanh nghiệp (4 tổng công ty), TPHCM có 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty), Bộ Công Thương có 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty) và Bộ Xây dựng có 2 Tổng công ty.
Về tình hình thoái vốn, 7 tháng năm nay, các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thoái vốn với giá trị hơn 601 tỷ đồng, và thu về 1.110 tỷ. Tổng số thoái vốn lũy kế từ năm 2016 đến nay là 25.630 tỷ đồng, thu về số tiền trên 172.800 tỷ.
Việc triển khai thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng còn chậm. Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).
Nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2020
Vừa qua, văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.
Thông báo nêu rõ, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong triển khai và làm cơ sở xây dựng, phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt.
Bộ Tài chính tổng kết việc thực hiện Quyết định 707/QĐ-TTg, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước theo quy định đảm bảo kỷ luật, kỷ cương; tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; đôn đốc, phối hợp với các cơ quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này. Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các Tổng công ty: Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị theo kế hoạch.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo kế hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, bảo đảm cơ bản hoàn thành sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.
Giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc bảo đảm yêu cầu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020; triển khai các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh, có giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá theo kế hoạch các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc; thực hiện các Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, có giải pháp thúc đẩy công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý, tính khả thi của việc giao một đơn vị phân loại đất do các doanh nghiệp quản lý, sử dụng, đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì tập trung về một đầu mối để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 8 năm 2020, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2020 - 2025 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc trình, xử lý các vấn đề liên quan đến Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phát triển hạ tầng giao thông; khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo tại văn bản số 240/TB-VPCP ngày 17/7/2020 về việc tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Tâm HiềnNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.