Cần hỗ trợ vấn đề tâm lý cho giáo viên, học sinh mắc COVID-19

Sức khỏe
03:44 PM 09/09/2021

Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT; các trường đại học, cao đẳng sư phạm... về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và chuẩn bị cho năm học 2021-2022, trong đó chú trọng cả vấn đề tâm lý.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến 17h ngày 7/9, ngành GD&ĐT ghi nhận 13.870 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó có 257 cán bộ, giảng viên; 1,028 sinh viên; 9.742 học sinh và 2.843 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các ca F0 nhiều nhất thuộc Sở GD&ĐT TPHCM với 8.141 học sinh và 2.496 giáo viên.

Theo văn bản của Bộ GD&ĐT, để hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 và chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT; các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Cần hỗ trợ vấn đề tâm lý cho giáo viên, học sinh mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Các trường cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh. Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT đề nghị các trường cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh, đặc biệt là những em đang ở các địa phương khác do dịch bệnh chưa thể trở về gia đình để tham gia học tập khi các em gặp các vấn đề về tâm lý, về an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.

Bộ khuyến khích giáo viên, học sinh ghi các video clip chia sẻ kinh nghiệm hay trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dạy và học ở điều kiện phòng chống dịch; các kỹ năng phòng chống xâm hại, bắt nạt qua mạng.

Trong quá trình học trực tuyến, các trường tăng cường trao đổi giữa giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học để chia sẻ, hỗ trợ liên thông giữa nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh.

Trước đó ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).

Giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT nghiên cứu chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách phù hợp trong một số trường hợp đặc thù; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú để phát triển thể chất tốt hơn cho trẻ em, học sinh.

Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường truyền thông, tuyển sinh trực tuyến; đẩy mạnh đào tạo trực tuyến ở những ngành nghề phù hợp.

Tổ chức triển khai việc hỗ trợ giáo viên, nhân viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định.

PV (T/h)
Ý kiến của bạn