Cần khuôn khổ pháp lý để thị trường tín chỉ carbon phát triển
Để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam phát triển bền vững, cơ quan có thẩm quyền cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, toàn diện.
Thị trường tín chỉ carbon khá mới tại Việt Nam, đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm vì những lợi ích mà nó mang lại, cũng như vướng mắc mà nó đặt ra. Việc phát triển dự án tín chỉ carbon đem lại nguồn thu ngân sách Nhà nước, lợi ích tài chính cho tổ chức, cá nhân phát triển. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải carbon về 0 vào năm 2050.
Tại Toạ đàm “Thị trường tín chỉ carbon: Góc nhìn từ kinh tế, môi trường và khuôn khổ pháp lý” tổ chức ngày 12/6, GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM) - cho hay, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ, phục hồi rừng. Ước tính Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Ngoài ra, các dự án nông nghiệp như canh tác carbon thấp và quản lý bền vững nguồn tài nguyên đất cũng có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra tín chỉ carbon.
Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bởi phát thải khí nhà kính cũng như cam kết giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên xây dựng chính sách thị trường carbon trong nước, cho phép các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo kế hoạch, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon sẽ bắt đầu từ năm 2025, việc hoàn thiện khung pháp lý được dự kiến vào năm 2027 và sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2028.
Ông Vinh đánh giá tham gia thị trường tín chỉ carbon còn mở ra khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhận được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các quỹ đầu tư xanh. "Cơ hội đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm chi phí dài hạn mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và tuân thủ các quy định phát thải nghiêm ngặt hơn", ông Vinh nói.
Để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam phát triển bền vững, GS.TS Võ Xuân Vinh cho rằng cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, toàn diện.
Theo ông Vinh, cơ quan có thẩm quyền nên ban hành các quy định chi tiết về cơ chế vận hành thị trường tín chỉ carbon, bao gồm quy trình tạo ra, xác nhận và giao dịch tín chỉ carbon.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp và người dân có hướng dẫn cụ thể để tuân thủ và tham gia hiệu quả vào thị trường.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính, hệ thống giám sát và báo cáo chi tiết, giúp các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê phát thải dễ dàng hơn và đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong quá trình này.
Trong khi đó, TS Võ Trung Tín - trưởng bộ môn Luật Đất đai - Môi trường (Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM) - cho hay vấn đề thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung cần được nghiên cứu và ban hành đồng bộ.
Theo ông Tín, dự kiến lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào năm 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Do đó, việc chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả Nhà nước về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.