Cần kiểm soát tính hợp pháp trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Đầu tư và Tiếp thị
04:23 PM 26/04/2021

Gỗ nhiệt đới đang chiếm tỷ trọng 40-50% tổng lượng gỗ nhập khẩu hàng năm của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề khó khăn, bất cập trong kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu đã và đang đặt ngành gỗ vào tình thế khó khăn.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends, ngành gỗ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng các khung của luật pháp quốc tế bởi khi áp dụng vào Việt Nam lại có một số yếu tố bất lợi.

Cần kiểm soát rủi ro trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu - Ảnh 1.

Một trong những khó khăn hiện nay của ngành gỗ là việc kiểm soát rủi ro trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Ảnh minh họa: Hải Quan

Như trong việc thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EUVPA/FLEG tại Việt Nam, nhập khẩu gỗ tròn nhiệt đới có nhiều nguy cơ rủi ro. Tại Cameroon – thị trường cung cấp gỗ lớn nhất cho Việt Nam - có tới 24 loài cấm được xuất khẩu dưới dạng gỗ tròn. Tất cả các lâm sản khi xuất khẩu phải có giấy phép xuất khẩu, sản phẩm gỗ phải được đưa vào kiểm tra, kiểm dịch thực vật… Song tại thị trường nội địa, rất ít người quan tâm đến tính pháp lý của nguồn nguyên liệu cũng như các hoạt động khác trong chuỗi cung ứng.

Hay như Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này chiếm trên 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ Hoa Kỳ đang có các cáo buộc Việt Nam nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ một số quốc gia khu vực nhiệt đới. Các cáo buộc này đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang NK một lượng lớn gỗ tự nhiên từ nhiều quốc gia, trong đó có các nước châu Phi và Campuchia. Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang tiến hành điều tra ngành gỗ Việt Nam dựa trên cáo buộc này và chưa có kết quả.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 102 về Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhưng các hoạt động kiểm soát của các cơ quan chức năng theo tinh thần của Nghị định 102 cũng đang gặp khó khăn do thiếu thông tin về chuỗi cung gỗ xuất khẩu tại các quốc gia cung cấp gỗ cho Việt Nam; các rủi ro đối với luồng cung nhập khẩu này vẫn đang tồn tại, chưa được giải quyết triệt để.

Phân tích kỹ hơn, ông Phúc lý giải, phần cốt lõi của Nghị định 102 là kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn dễ gây rủi ro. Nhưng, việc thực hiện Nghị định này vấp phải nhiều khó khăn. Lượng gỗ được xác định rủi ro từ các vùng địa lý không tích cực hoặc lượng nhập các loài gỗ mới, gỗ quý hiện tại vào Việt Nam cũng tương đối lớn, phức tạp từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt từ châu Phi…

Vấn đề lớn hơn trong việc thực hiện Nghị định 102 này là các bằng chứng, minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ các nguồn này cũng chưa được rõ ràng... Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ hầu như không có các hoạt động kiểm tra thực địa về các hoạt động trong chuỗi cung xuất khẩu. Các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất khẩu cũng không được kiểm chứng về tính xác thực.

Cần kiểm soát rủi ro trong nhập khẩu gỗ nguyên liệu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Ngành gỗ không mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nhập khẩu từ những quốc gia có những quy định phức tạp, làm ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như có rủi ro cao. Mặc dù đã cố gắng quản lý tốt, nhưng khi vẫn còn những thông tin và băn khoăn từ các thị trường lớn cho rằng Việt Nam có sử dụng hay có nhập khẩu gỗ từ những nguồn rủi ro cao, đây sẽ là điều bất lợi và sẽ có ảnh hưởng đến uy tín của ngành gỗ”, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT nhận định trên VOV.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu (gỗ tự nhiên) cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong khâu nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu nhập khẩu đối với nguồn gỗ rủi ro theo tinh thần của Nghị định 102, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu cần được tăng cường và thực hiện hiệu quả.

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện bổ sung thông tin trong hồ sơ nhập khẩu nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ, từ đó thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây cần được xem là hoạt động bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần đảm bảo, cam kết và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu như hiện nay.

Nhung T. (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.