Cần lắm một bản án thấu tình đạt lý!

Tiếp thị - Pháp luật
02:27 PM 08/05/2021

Không hiếm vụ kiện dân sự bị kéo dài hàng chục năm do phán quyết trái ngược nhau của các cơ quan có thẩm quyền; nhiều vụ đã thi hành án xong vẫn bị giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại hay có trường hợp bị đình chỉ như một giải pháp tình thế để giảm áp lực giải quyết án quá hạn. Theo các chuyên gia pháp luật, quy định hiện hành còn nhiều khoảng trống là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “án dây thun”.

Vòng luẩn quẩn

Theo các chuyên gia, vụ kiện tranh chấp đòi tài sản của bà Phí Thị Anh Thư, sinh năm 1954, trú tại 134 Nguyễn Kim, Phường 6, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh đã kéo dài suốt 8 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết xong. Phán quyết trái ngược nhau của các cơ quan có thẩm quyền đã khiến gia đình phải đi kêu cứu từ năm này qua năm khác.

Cho đến nay, vụ án đã trải qua hai lần xét xử sơ thẩm, một lần xét xử phúc thẩm, một lần giám đốc thẩm và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ. Đó là một trong những vụ án không có điểm dừng trong tố tụng dân sự.

Luật sư Nguyễn Nam Long, Công ty Luật Nam Long cho hay, thời gian cho một vụ án dân sự thông thường không kéo dài quá 4 tháng. Nếu có những tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn thêm 2 lần 2 tháng nữa. Song trên thực tế, các vụ án dân sự thường kéo dài hơn, do nhiều nguyên nhân như tranh chấp phức tạp, có tính chất lịch sử, liên quan đến nhiều người.

Cũng có trường hợp, vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy án yêu cầu xét xử lại. Tuy nhiên khi tòa cấp dưới xét xử lại thì phán quyết không theo hướng đề nghị của quyết định giám đốc thẩm. Từ đó, đã dẫn đến vòng luẩn quẩn của việc án xử đi xử lại.

Sự chờ đợi trong thấp thỏm

Theo luật sư Ngô Thành Ba, Công ty Luật TNHH niềm tin Công Lý thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản của bà Phí Thị Anh Thư (TP.HCM) không phải ngoại lệ. Mặc dù bản án đã được trải qua mấy bước xét xử sơ thẩm rồi đến phúc thẩm, giám đốc thẩm rồi lại trở về sơ thẩm. Với nội dung: Bố mẹ của nguyên đơn Phí Thị Anh Thư là cụ Phí Văn Phúc và cụ Phạm Thị Thông có thửa đất số 2674, tờ bản đồ số 5 được ghi trong tờ chứng thực đăng bộ số 709 năm 1941 tỉnh Hà Đông cũ, nay là thửa 346, tờ bản đồ số 4 diện tích 306m2 tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Vợ chồng cụ Phúc đã cho gia đình cụ Lương Thị Chung (bị đơn) ở nhờ tại thửa đất trên, sau đó đưa các con vào Nam sinh sống từ năm 1954.

Quyết định giám đốc thẩm năm 2017 của TAND Tối cao và Bản án số 92/2020/DSST ngày 19/11/2020 của TAND TP. Hà Nội về việc tranh chấp kiện đòi tài sản.

Bên phía bị đơn, ông Phí Văn Thọ (kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Chung) thừa nhận khoảng năm 1948, cụ Phúc đã cho gia đình ông ở nhờ. Cụ thể, ngày 19/7/2002, ông Phí Văn Thọ đã viết thư cho ông Phí Thịnh Long (con trai cụ Phúc) nội dung thể hiện ông sẵn sàng trả lại toàn bộ diện tích nhà đất nhưng các thừa kế của cụ Phúc phải thanh toán cho gia đình ông 250.000.000 đồng là tiền công sức trông nom và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhưng các thừa kế của cụ Phúc không đồng ý.

Ngày 23/7/1998, tại Nhà thờ họ Phí, cụ Chung đã xác nhận vào giấy giao kèo quản lý bất động sản với nội dung: Khối bất động sản cụ đang quản lý sử dụng là của gia đình bà Phí Thị Anh Thư, do gia đình bà Thư chưa có nhu cầu sử dụng nên cụ Chung tiếp tục quản lý và sử dụng nhưng không được chuyển nhượng. Liên quan đến "Giấy giao kèo quản lý bất động sản" này, tại Bản kết luận giám định số 48/C54(P3) ngày 28/8/2012 của Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát đã kết luận dấu vân tay in dưới dòng chữ "Lương Thị Chung" trong "Giấy giao kèo quản lý bất động sản" ngày 23/7/1998 với các dấu vân tay in ở ô ngón cái phải trong 2 chỉ bản ghi tên "Lương Thị Chung" là của cùng một người (đây chính là dấu vân tay của cụ Chung điểm chỉ trong Giấy giao kèo) và tại đĩa ghi hình cuộc xác nhận Giấy gieo kèo, Bản kết luận giám định số 47 ngày 25/4/2011 của Viện Khoa học hình sự đã trả lời: Không phát hiện thấy dấu hiệu bị cắt nối, lồng ghép, dựng cảnh, dùng kỹ xảo điện ảnh hoặc lồng tiếng trong đĩa hình gửi giám định. Trong những khuôn hình xuất hiện hình ảnh miệng của nhân vật nữ, lời thoại khớp với cử động của miệng, không phát hiện thấy dấu hiệu bị lồng tiếng.

Khi giải quyết vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai, việc xác định nguồn gốc đất là cần thiết. Những căn cứ trên đã thể hiện rõ thửa đất tranh chấp có nguồn gốc của cụ Phí Văn Phúc, cụ Phạm Thị Thông, và cụ Chung được cho ở nhờ. Thông qua bức thư, "Giấy giao kèo quản lý bất động sản", bị đơn cũng đã thừa nhận được cụ Phúc và cụ Thông cho ở nhờ trên thửa đất này. Và đã được UBND xã Kim Chung giao quyền sử dụng 101m2 đất có thu tiền sử dụng đất mang tên Phí Văn Thọ. Hiện nay mảnh đất này ông Thọ đã bán cho người khác.

Việc bị đơn trình bày nguồn gốc đất được giao trong cải cách ruộng đất năm 1956 là không thuyết phục, do Tờ chứng thực đăng bộ số 709 năm 1941 đã ghi tên chủ sử dụng đất là cụ Phí Văn Phúc và cụ Phạm Thị Thông, vợ chồng cụ cho cụ Chung ở nhờ từ năm 1949, sau đó vào Nam sinh sống. Khi cải cách ruộng đất năm 1956, có thể bị đơn đã kê khai diện tích đất là của mình (do đang sử dụng) nên được thể hiện tên trong hồ sơ địa chính.

Bản án đã tuyên cho thấy sự thấu tình đạt lý, Tòa án đã xét đến thời gian dài tôn tạo duy trì thửa đất của bị đơn và sự thiện chí của nguyên đơn khi đồng ý trích 100m2 đất cho gia đình ông Thọ. Đảm bảo quyền lợi cho những người nhận chuyển nhượng đất của gia đình cụ Chung và anh Việt (người nhận chuyển nhượng đất từ gia đình cụ Chung, sau đó chuyển nhượng lại cho người khác).

Bản án phúc thẩm (lần 2) sắp tới hi vọng được xét xử công tâm, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho các bên và cũng là thực hiện di nguyện lấy lại đất của cụ Phí Văn Phúc và cụ Phạm Thị Thông để các con làm nơi thờ cúng cho các cụ.

PV
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.