Cần làm rõ nghi vấn 'xẻ thịt' đất công để cấp sổ đỏ cho một hộ dân ở Hải Phòng

Địa phương
08:52 AM 13/03/2021

Nhà máy nước mini ở xã Dương Quan (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) đã ngừng hoạt động nhiều năm nay, tuy nhiên thời gian gần đây người dân trong xã nghi ngờ có một hộ gia đình được cấp sổ đỏ trên một phần diện tích đất thuộc nhà máy nước.

Theo phản ánh của người dân xã Dương Quan, trước đây tại địa bàn thôn Thầu Đâu, trên phần diện tích đất công ích, chính quyền xã đã cho xây dựng một nhà máy nước mini. Trong khoảng thời gian dài, nhà máy nước đã cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã.

Đến năm 2009, do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm nặng nên nhà máy nước mini xã Dương Quan đã tạm ngừng hoạt động. Cùng năm, người dân đã làm đơn tố cáo gửi đến UBND xã Dương Quan về việc, nhà máy nước đã bị bán với giá 500 triệu đồng.

Đến ngày 26/6/2009, UBND xã Dương Quan đã lập biên bản làm việc về thực trạng của nhà máy nước, buổi làm việc có đại diện UBND xã, cán bộ địa chính, công an xã và nhân viên của nhà máy nước mini xã Dương Quan. Theo biên bản, căn cứ vào trích lục bản đồ vị trí xây dựng hệ thống nhà máy nước thời điểm đó thì ao lắng vẫn sử dụng bình thường, không có việc bị bán và bơm bùn vào ao.

Cần làm rõ nghi vấn “xẻ thịt” đất công để cấp sổ đỏ cho một hộ dân ở Hải Phòng - Ảnh 1.

Trích lục khu vực nhà máy nước xã Dương Quan năm 2005

Biên bản dựa trên trích lục bản đồ của nhà máy nước được đo vẽ ngày 20/10/2005 thuộc tờ bản đồ số 05, số thửa 470 với tổng diện tích là 1.265m2. Trích lục thửa đất có chiều dài 46m, chiều rộng là 27,5m. Trên khu đất có các công trình gồm nhà máy, bể chứa và ao lắng. Ký vào trích lục thời điểm này là ông Lê Văn Cường – cán bộ địa chính xã, ông Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch UBND xã (nay là chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên), đại diện các phòng TN&MT, phòng NN&PTNN, UBND huyện Thủy Nguyên.

Người dân sau đó đã cung cấp một giấy CNQSDĐ được cấp ngày 26/3/2007 cho vợ chồng ông Bùi Đỗ Lương và vợ là Phạm Thị Khánh ở xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên thuộc thửa đất số 379, tờ bản đồ số 05, vị trí thửa đất ở xóm Bấc Vang. Với diện tích 1.104m2, phía nam thửa đất giáp với nhà máy nước mini Dương Quan.

Cần làm rõ nghi vấn “xẻ thịt” đất công để cấp sổ đỏ cho một hộ dân ở Hải Phòng - Ảnh 2.

Giấy CNQSDĐ được cấp cho hộ gia đình ông Bùi Đỗ Lương năm 2007

So sánh trích lục thửa đất nhà máy nước Dương Quan với giấy CNQSDĐ được cấp cho gia đình ông Lương, người dân cho rằng có sự "lệch lạc", bởi lẽ, trong trích lục thửa đất nhà máy nước, phía bắc giáp với ao cá và được kẻ vẽ là một đường thẳng. Nhưng trong giấy CNQSDĐ của gia đình ông Lương, ao cá đã "biến mất", đồng thời vị trí giáp nhà máy nước đã được kẻ lệch, chứ không còn là một đường thẳng.

Có mặt tại khu vực nhà máy nước, theo quan sát của PV, khu vực tiếp giáp với nhà máy nước ở phía bắc là đất của gia đình ông Lương hiện đang được trồng rau, không còn ao. Đặc biệt, trên giấy CNQSDĐ của gia đình ông Lương, trong tổng diện tích 1.104m2 gồm có một nhà cấp 4 với diện tích 24m2, nhưng theo người dân, từ trước đến nay không có một ngôi nhà cấp 4 nào tồn tại hoặc được xây dựng trên khu đất này.

Cần làm rõ nghi vấn “xẻ thịt” đất công để cấp sổ đỏ cho một hộ dân ở Hải Phòng - Ảnh 3.

Khu vực nhà máy nước Dương Quan

Cần làm rõ nghi vấn “xẻ thịt” đất công để cấp sổ đỏ cho một hộ dân ở Hải Phòng - Ảnh 4.

Thửa đất được cấp cho hộ gia đình ông Bùi Đỗ Lương tiếp giáp nhà máy nước, không có ngôi nhà cấp 4 nào trên thửa đất này

Người dân cho rằng, ngoài việc ao cá đã bị san lấp để cấp sổ đỏ cho gia đình ông Lương thì diện tích nhà máy nước đã bị lấn chiếm, không còn nguyên trạng là 1.265m2 nữa. Họ nhận định việc này được chính quyền địa phương thời điểm đó vẫn do ông Nguyễn Huy Hoàng làm Chủ tịch UBND xã "hợp thức hóa" làm biến dạng hiện trạng nhà máy nước.

Một vị nguyên là cán bộ UBND xã Dương Quan cho biết, đến năm 2013, nhà máy nước Dương Quan mới dừng hoạt động hoàn toàn và sử dụng nguồn nước của nhà máy nước khu công nghiệp Vsip và nhà máy nước Dương Kinh cung cấp. Khi được hỏi, bây giờ diện tích của nhà máy nước này còn đủ 1.265m2 không? Vị này cho rằng diện tích của nhà máy nước đã bị thu hẹp so với hiện trạng ban đầu.

"Khi làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình ông Lương, địa chính có trách nhiệm xác minh nguồn gốc đất, làm trích đo, sau đó trình lãnh đạo là Chủ tịch UBND xã Dương Quan thời điểm đó ký", nguyên cán bộ UBND xã Dương Quan thông tin thêm.

Về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, tiếp nhận thông tin phản ánh, UBND huyện đã yêu cầu ông Đặng Quang Đo – Chủ tịch UBND xã Dương Quan xác minh và được báo cáo lại là đất nhà máy nước Dương Quan vẫn còn nguyên diện tích. Về mục đích sử dụng, vị lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên đang cho các phòng ban rà soát lại các nhà máy nước mini nằm trên đất công ích không còn giá trị sử dụng để đưa ra đấu giá.

Người dân xã Dương Quan không đồng ý với trả lời từ lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên, họ đề nghị các phòng ban chức năng của huyện, xã cử cán bộ chuyên môn đo vẽ lại hiện trạng khu vực nhà máy nước và có kết luận cụ thể để người dân được rõ.

PV
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.