Cần làm rõ những “góc khuất” trong hoạt động ủy thác đầu tư tại Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC
Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế thị trường tại Việt Nam đã tác động đến nhu cầu về vay vốn, huy động vốn phục vụ sản xuất hoặc tiêu dùng. Điều này khiến cho các hoạt động vay và cho vay, góp vốn kinh doanh, ủy thác đầu tư,… phát triển rất sôi động dưới nhiều hình thức. Các hoạt động này cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để huy động vốn trái phép nhằm chiếm đoạt, tiêu dùng mà không có ý định trả lại. Nhiều đối tượng, nhiều doanh nghiệp còn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn cho dịch vụ "ủy thác đầu tư" để đánh trực diện vào tâm lý muốn tìm kiếm kênh đầu tư "có lợi nhuận siêu khủng" của các nhà đầu tư. Sau đó, các đối tượng (bên nhận ủy thác) thực hiện các hành vi chiếm dụng vốn, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm… để chiếm đoạt tiền của người ủy thác. Nhiều đối tượng dù có tiền, có tài sản nhưng cố tình chây ì không trả, dồn nhiều nhà đầu tư uỷ thác (giao vốn đầu tư) vào cục diện phải đối mặt với nguy cơ "trắng tay".
Một trong những trường hợp cho thấy rõ nhất hệ lụy của hoạt động ủy thác đầu tư vốn mà chúng tôi đề cập trên đây, chính là diễn biến sự việc theo đơn thư của độc giả Vũ Ngọc Hoa, sinh năm 1983, cư trú tại phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo đơn thư của chị Hoa, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020, chị có ủy thác cho chị Nguyễn Yến Nhàn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC - công ty này có trụ sở tại số 88 phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) số tiền là 2.692.000.000 VNĐ. Thời gian đầu chị Nhàn và Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC có trả lãi và gốc cho chị Hoa với số tiền là 218.930.000 VNĐ, nhưng sau đó thì không trả nữa. Quá trình làm việc với chị Nhàn (bằng tin nhắn và điện thoại) chị Nhàn đã đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn không trả tiền cho chị Hoa. Đến nay, sau nhiều lần không thể liên lạc được với chị Nhàn cũng như đại diện lãnh đạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC, chị Hoa đã phải mang đơn thư cầu cứu tới các cơ quan báo chí, truyền thông tại Hà Nội trong tâm trạng bất an, lo lắng.
Chị Vũ Ngọc Hoa khẳng định: "Số tiền còn lại mà chị Nhàn chưa trả cho tôi là 2.473.070.000 VNĐ. Đây là toàn bộ tài sản tích góp của cả đời tôi, dùng để lo cho cha mẹ già, để phát triển công việc, đảm bảo đời sống gia đình và những người phụ thuộc, cho việc sinh con và chăm sóc con cái của tôi trong tương lai". Chị Hoa đề nghị các cơ quan ngôn luận vào cuộc để tìm hiểu, phản ánh những "góc khuất", những lý do ẩn sau sự việc chị Nguyễn Yến Nhàn và Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC không chi trả tiền theo thỏa thuận với khách hàng; đồng thời chỉ rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) của phía nhận ủy thác.
Ngay sau khi tiếp nhận đơn thư của chị Vũ Ngọc Hoa, nhóm PV chúng tôi đã tìm hiểu và đặt ra hàng loạt các câu hỏi nghi vấn. Liệu Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC có chức năng nhận ủy thác đầu tư hay không? Bởi theo quy định hiện hành chỉ có các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư? Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 28/02/2014, có mã số thuế: 0106469909, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Các lĩnh vực hoạt động của công ty này không bao gồm hoạt động ủy thác đầu tư vốn?
Để làm rõ nội dung tố cáo theo đơn thư của chị Vũ Ngọc Hoa, đồng thời xem xét kỹ lưỡng tư cách pháp nhân của Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC, làm căn cứ giám sát, kiểm tra ngành nghề đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ, năng lực, hoạt động kinh doanh… của công ty này trong mối tương quan với ủy thác đầu tư vốn, nhóm PV đã nhiều lần liên lạc cho chị Nguyễn Yến Nhàn theo số điện thoại 0946279***. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên lạc được. Khi đến trụ sở công ty tại số 88 phố Lò Đúc, chúng tôi cũng đều gặp tình trạng cửa đóng then cài. Nhân viên công ty không tới, Tổng Giám đốc công ty là chị Nguyễn Yến Nhàn cũng không tới. Dường như, Công ty Cổ phần Tập đoàn IBC đang có dấu hiệu trốn tránh nhà đầu tư và các cơ quan ngôn luận?
Trước những nghi vấn nêu trên, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị xin chuyển toàn bộ nội dung đơn thư của độc giả Vũ Ngọc Hoa tới các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét cụ thể những nội dung tố cáo của công dân. Với những tố cáo có căn cứ, cần vào cuộc điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Với trách nhiệm của người làm công tác báo chí - truyền thông, chúng tôi khuyến cáo độc giả cần thận trọng nhận diện các mô hình đầu tư có nguy cơ lừa đảo cao. Nếu muốn ủy thác khoản tiền nhàn rỗi, các nhà đầu tư nên "chọn mặt gửi vàng" và làm hợp đồng tuân thủ quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho bản thân. Đồng thời, cần xem xét kỹ lưỡng tư cách pháp nhân của bên nhận ủy thác đầu tư để phòng tránh những tranh chấp hợp đồng và hậu hoạ sau này. Tuyệt đối không vì "bánh vẽ" lợi nhuận siêu khủng mà "đặt cược" tài sản của mình vào vòng quay may rủi.
Nhóm PVĐTBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.