Cần lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện để phát triển bền vững

Diễn đàn
08:40 AM 12/10/2024

Việc xóa bỏ mọi rào cản, "tính đúng, tính đủ giá điện" và đẩy mạnh thực hiện lộ trình này là yêu cầu tất yếu, khách quan vì sự phát triển bền vững của ngành điện nói riêng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta nói chung.

Tại toạ đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp", nhiều ý kiến cho rằng, giá thành sản xuất điện hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ và mang màu sắc "bao cấp", bù trừ. Sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện phục vụ các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rạch ròi, lằn ranh còn thiếu rõ nét, dẫn đến giá bán điện còn có sự méo mó, chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. 

Cần lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện để phát triển bền vững- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu vấn đề, nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối. Nếu giá điện có lợi cho một nhóm đối tượng này thì vô hình trung, lợi ích đó lại trở thành thiệt hại của người khác.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho hay: Qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố thì giá thành điện là 2.088 đồng/KWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/KWh. Tức là giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%. Đây là tình trạng mua cao, bán thấp. Tức là đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra thì chúng ta lại không quyết đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.

Do đó, sinh ra rất nhiều bất cập, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế. Với mức giá điện hiện nay, chung ta không thể thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân, đồng thời gây khó khăn cho triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn.

Thực tế, giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất và so với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong sự tương quan so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, giá điện bán ra của nước ta thấp hơn nhiều và vẫn đang trên lộ trình "tính đúng, tính đủ giá điện" để bảo đảm ngành điện phát triển bền vững. 

Do vậy, việc thực hiện lộ trình tăng giá điện sẽ tạo điều kiện phát triển bền vững ngành điện nói riêng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, để làm được những việc này, trước hết phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện.

Cũng có nhiều ý kiến về việc nguồn điện năng lượng tái tạo rẻ, tuy nhiên rẻ ở đây là chúng ta đang mua mà chưa tính đến những yếu tố vận hành, mới chỉ đơn thuần là phát điện và mức giá rẻ hơn so với điện than, điện khí. Song, nguồn điện gió, điện mặt trời có những yếu tố thách thức rất lớn về việc mất ổn định, phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, biến động bất thường.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Bộ Công thương đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 05 về "Cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân". Trong đó quy định cơ chế điều chỉnh giá có lên, có xuống, có tăng, có giảm và thời hạn điều chỉnh trong 3 tháng. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh giá điện tiệm cận với sự thay đổi có yếu tố đầu vào, phản ánh sát với biến động chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội dự án Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó sửa đổi căn bản Luật Điện lực hiện hành, có nhiều cơ chế nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành điện.


An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn