Cần nâng cao chế tài xử phạt, ngăn ngừa hành vi quảng cáo sai sự thật
Trong thế giới của những cú click chuột và dòng chảy thông tin không ngừng nghỉ, để người tiêu dùng biết đến sản phẩm cũng như định vị được thương hiệu của nhãn hàng, một bộ phận người nổi tiếng đã quảng cáo "bất chấp", sai sự thật gây ra những hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng.
Quảng cáo sai sự thật - Phản bội lòng tin người tiêu dùng
Người nổi tiếng (KOL) bán hàng trên những phiên live hay giới thiệu các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội đã không còn xa lạ với nhiều người. Với lượng người theo dõi đông đảo, các nhãn hàng cũng chuyển từ các kênh quảng cáo truyền thống sang quảng cáo trực tuyến, thông qua KOL.
Người tiêu dùng, người hâm mộ khi thấy "thần tượng" chia sẻ trải nghiệm về sản phẩm cũng tin tưởng hơn, mua sản phẩm theo lời quảng cáo. Một lời giới thiệu của họ có thể khiến một sản phẩm vô danh bỗng chốc trở thành cơn sốt, giúp doanh số của một doanh nghiệp tăng vọt chỉ sau một đêm.
Nhưng ngược lại, khi những lời quảng cáo ấy không phản ánh đúng sự thật, hậu quả để lại không chỉ là sự thất vọng của người tiêu dùng, mà còn kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng hơn cho cả doanh nghiệp, ngành hàng và xã hội.

Bài đăng chứa thông tin “thổi phồng” công dụng của sản phẩm kẹo Kera. (Ảnh: KERA Vietnam)
Gần đây, cộng đồng mạng xôn xao với câu chuyện xoay quanh kẹo rau củ Kera, sản phẩm được quảng cáo rầm rộ bởi Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên. Sản phẩm này gây không ít tranh cãi, nhiều người chỉ ra sản phẩm Kẹo rau củ Kera có chất lượng, hàm lượng chất xơ không đúng với nội dung quảng cáo và khẳng định nội dung quảng cáo là sai sự thật. Đây chỉ là một trong nhiều sản phẩm với quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội được đưa ra kiểm nghiệm bởi Bộ Y tế...
Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm, trong năm 2024, cơ quan này đã tiến hành thanh tra 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng. Qua đó, 21 cơ sở đã bị xử phạt với tổng số tiền lên tới gần 12.26 tỷ đồng. Trong số các hành vi vi phạm, quảng cáo sai sự thật là sai phạm phổ biến.
Các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube hay những hội nhóm mua bán trực tuyến là những nền tảng thường xuyên xuất hiện quảng cáo sai sự thật. Không ít người tiêu dùng khi sử dụng các trang mạng xã hội, các nền tảng thường xuyên bắt gặp các quảng cáo sai lệch, gây nhiễu thông tin, không đúng với nội dung sự thật; nhiều video clip quảng cáo sử dụng hình ảnh của người dẫn chương trình, biên tập viên, diễn viên nổi tiếng để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm… được phóng đại giống như “thần dược” có khả năng vạn năng.
Hay những quảng cáo có thông tin chưa được kiểm chứng hoặc chưa được các cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định chất lượng, hiệu quả… Các video quảng cáo được thông qua người dẫn dắt dư luận chủ chốt (KOL) đã lợi dụng sức hút, sự ảnh hưởng và uy tín của người nổi tiếng này nhằm kích thích người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng và chọn mua sản phẩm theo gợi ý.
Chính những điều đó đã tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội, người tiêu dùng nhận về một sản phẩm không đúng với kỳ vọng - hoặc tệ hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, việc quảng cáo sai sự thật làm cho bản chất nền kinh tế thị trường trở nên bất ổn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các hoạt động kinh doanh chân chính khác.
Tăng chế tài xử phạt quảng cáo sai sự thật
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành (Luật Quảng cáo, Luật Hình sự), hành vi quảng cáo sai sự thật có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự, tùy mức độ, hậu quả từng trường hợp. Cụ thể, cá nhân quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt 60 - 80 triệu đồng. Một số trường hợp như quảng cáo mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng gây hiểu lầm có mức phạt thấp hơn, 20 - 40 triệu đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ áp dụng gấp đôi so với mức phạt đối với cá nhân.
Thế nhưng, các KOL, KOC vẫn “tái phạm”, lý do một phần bởi chế tài đang khá nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính bằng tiền. Trong khi đó, thù lao, lợi nhuận mà họ thu được rất lớn.
Một thị trường lành mạnh không thể được xây dựng trên những lời quảng cáo thiếu trung thực. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần đưa ra chế tài mạnh mẽ hơn và mang tính răn đe để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bên cạnh chế tài nghiêm khắc, xử phạt tiền nặng với KOL, KOC vi phạm, một số chuyên gia cho rằng cần áp dụng thêm các hình thức như cấm sóng, cấm tham gia hành nghề 1 - 5 năm, cấm tham gia quảng cáo, tham dự sự kiện.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, tại các quy định pháp luật hiện hành đã có các hình phạt bổ sung bên cạnh hình thức phạt tiền như buộc gỡ bỏ, xóa các nội dung quảng cáo sai sự thật; cải chính thông tin và xin lỗi công khai. Các quy định trên cũng cấm người vi phạm tham gia hoạt động quảng cáo từ 1 đến 3 năm khi thuộc những trường hợp nghiêm trọng hoặc tái phạm; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Theo vị luật sư này, người quảng cáo sai sự thật nên bị cấm phát sóng, hoặc không được tham gia quảng cáo theo quy định của pháp luật và chính sách của các nền tảng mạng xã hội.
Theo một số chuyên gia, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo thông tin chính xác khi đưa sản phẩm ra thị trường qua các nền tảng. Nội dung trên cũng nằm trong các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Khi sử dụng bên thứ 3 để quảng bá, cả doanh nghiệp lẫn bên thứ 3 đều phải chịu trách nhiệm nếu thông tin gây hiểu lầm cho khách hàng.
Cùng với đó, chính các nền tảng thương mại điện tử cũng phải nâng cao trách nhiệm kiểm soát nội dung được đăng tải hay livestream, tạo ra một môi trường minh bạch, rõ ràng và bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên liên quan.
Để trở thành người tiêu dùng thông minh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin, không tin vào quảng cáo “thần thánh hóa” sản phẩm. Đồng thời, trước khi quyết định mua hàng, người dân cần chủ động kiểm chứng thông tin sản phẩm bằng cách tra cứu giấy phép lưu hành và kiểm tra tem kiểm định chất lượng do Bộ Y tế hoặc các cơ quan chức năng cấp.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần tích cực đấu tranh, phản ánh kịp thời với cơ quan chức năng các vi phạm được quảng cáo sản phẩm trên các nền tảng, cảnh giác với các chiêu trò thổi phồng công dụng, tác dụng của sản phẩm được quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra khuyến cáo: Hãy tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quyết định mua, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế, và chỉ chọn mua các loại thực phẩm chức năng từ những nguồn tin cậy. Đồng thời, đừng để những lời quảng cáo hoa mỹ hay hình ảnh của người nổi tiếng trên mạng đánh lừa.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện đã bổ sung các quy định về người chuyển tải quảng cáo có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC).
Dự án Luật được xây dựng theo hướng tăng trách nhiệm của các KOL, KOC khi quảng cáo sản phẩm... nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, xây dựng thị trường lành mạnh, có trách nhiệm hơn.

Với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện đã giúp Việt Nam đứng trước “cơ hội vàng” để tham gia và định vị mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.