Cân nhắc mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 6 làn xe

Tài chính - Đầu tư
05:36 PM 15/09/2024

Đây là một trong những kiến nghị đáng chú ý tại Báo cáo số 7379/BC - KHĐT về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ GTVT.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đưa ra 2 phương án gồm: phương án 1 - quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng và phương án 2 - quy mô 6 làn xe theo quy hoạch với tổng mức đầu tư 12.778 tỷ đồng.

Cân nhắc mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 6 làn xe- Ảnh 1.

Bộ GTVT lựa chọn phương án với ưu điểm hạn chế giải phóng mặt bằng chính tuyến, phù hợp với quy mô đầu tư các đoạn lân cận (Vạn Ninh - Cam Lộ và La Sơn - Hoà Liên), tận dụng được toàn bộ hạng mục kiên cố hoá mái ta luy đã thi công và phù hợp về nguồn vốn được thông báo (7.000 tỷ đồng).

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng tính toán nhu cầu vận tải đến năm 2045 mới cần mở rộng lên quy mô 6 làn xe và lựa chọn phương án 1.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cách tính toán lưu lượng trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa tính đến việc gia tăng lưu lượng phương tiện vận chuyển than từ Lào tới các cảng biển Việt Nam trong khi nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển (Mỹ Thuỷ, Chân Mây, Thuận An), bằng đường bộ, bao gồm cả tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có thể lên tới 20 - 30 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn Cam Lộ - La Sơn có quy mô cao tốc 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026 với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Với tiến độ này sẽ khó đảm bảo trước năm 2030, đoạn Cam Lộ - La Sơn đạt quy mô 6 làn xe như quy hoạch. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ GTVT tính toán, rà soát lại và chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn quy mô đầu tư và thực hiện việc mở rộng quy mô lên 6 làn xe theo quy hoạch, bảo đảm thuận lợi, tránh lãng phí.

Trước đó, Bộ GTVT đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu trùng với điểm cuối dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối trùng với điểm đầu dự án La Sơn - Hòa Liên; thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chiều dài tuyến khoảng 98,35 km (đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 36,3 km; đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài khoảng 62,05 km). Ngoài việc nâng cấp, mở rộng chính tuyến cao tốc, Dự án còn đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí (ETC), trạm cân kiểm tra tải trọng xe đoạn La Sơn - Túy Loan.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án sẽ thực hiện mở rộng mặt cắt ngang tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện hữu từ quy mô 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 12 m thành 22 m, bề rộng mặt đường từ 11 m thành 20,5 m. Các đoạn đã được đầu tư nền đường 23,25 m sẽ cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng dải dừng xe khẩn cấp.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành mở rộng tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 7.000 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023.

Quang Dũng (T/h)
Ý kiến của bạn
Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng

Năm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.