Cần nhiều chính sách trợ lực để ngành nhôm bứt phá
Nhôm là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhưng còn phải đối mặt với nhiều rào cản. Để ngành nhôm bứt phá, cần nhiều chính sách trợ lực là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh thương mại có nhiều biến động.
Theo Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA), trong thập kỷ qua, số lượng nhà máy, quy mô sản xuất và tổng sản lượng đều tăng gấp đôi. Năm 2024, tổng sản lượng các loại đạt gần 1,5 triệu tấn, tương đương 4,2 tỷ USD, tăng trưởng 14,5% so với năm 2023; trong đó, nhôm định hình là 650 nghìn tấn, chiếm 43,3%; nhôm tái chế trên 250 nghìn tấn, chiếm 16,7%; còn các loại nhôm khác chiếm 40%. Giá trị xuất khẩu nhôm của Việt Nam năm 2023 đạt 2,15 tỷ USD. Quy mô thị trường nhôm Việt Nam năm 2025 ước đạt 4,53 tỷ USD.

Ảnh minh họa, Nguồn: KTĐT
Việt Nam hiện có 17 Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định RCEP, EVFTA, CEPA là những thị trường triển vọng cho ngành nhôm Việt Nam khi thuế nhập khẩu nguyên liệu 0%; thuế xuất khẩu với hầu hết các sản phẩm hoàn chỉnh cho người dùng cuối 0%.
Mặt khác, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia lớn như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản... Hơn nữa, nhu cầu về nhôm trên thế giới rất lớn, mở ra cơ hội không giới hạn cho ngành nhôm Việt Nam.
Dự báo đến 2030 nhu cầu về vật liệu nhôm sẽ tăng 25% so với hiện tại. Nhôm xây dựng và công trình sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khoảng 13% trong giai đoạn 2024-2029. Bộ Xây dựng dự báo nhôm xây dựng có mức tăng trưởng 25% trong 5 năm tới nhờ có chính sách tháo gỡ cho các dự án đầu tư bất động sản.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam 2025 với chủ đề “Nhận diện cơ hội và thách thức của ngành nhôm”, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAA, cho biết ngành nhôm có nhiều cơ hội bứt phá trong tương lai. Tuy nhiên, ngành này đang phải đổi mặt với những thách thức không nhỏ, như: Hiện tượng dư thừa công suất nhiều năm nay chưa cải thiện; thị trường bất động sản và xây dựng tạm thời ngưng trệ; nhu cầu nhôm xây dựng giảm sút, các nhà máy ép đùn phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh đến đầu quý II/2025.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng, giá bán nhôm định hình trên thị trường không đủ bù đắp chi phí đầu vào, lợi nhuận của nhà sản xuất giảm mạnh 2 - 3 năm qua, đã tạo cạnh tranh gay gắt, khó kiểm soát.
Ngoài ra còn phải kể đến những rào cản từ xuất khẩu, thị trường xuất khẩu ngừng trệ. Các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc liên tục dựng lên các rào cản thuế quan, phi thuế quan, quy định về môi trường. Trong khi đó, Mỹ đã khởi xướng nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến nhôm Việt Nam và khu vực châu Á. Nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn khi mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để doanh nghiệp nhôm vượt qua những thách thức trên, theo ông Phụ, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, quản trị ESG, ổn định chất lượng, xây dựng thương hiệu nhôm Việt nhằm chiếm lĩnh thị trường, thay thế hàng nhập khẩu. Điều chỉnh chính sách phù hợp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh như: giảm thuế VAT, giảm thuế xuất khẩu 5%, hướng dẫn thực hành ESG, hỗ trợ tín dụng xanh.
Đồng thời, mở rộng thị trường, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), học hỏi từ chính các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đào tạo nhân lực, nhân lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Minh An (t/h)
6 tháng đầu năm 2025, lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ số Việt Nam đạt doanh thu trên 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế số quốc gia.