Cần nhiều giải pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Theo các chuyên gia, phát triển hạ tầng công nghệ, nâng cao khả năng bảo mật và nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử là những điều kiện cẩn thiết để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Khảo sát của tổ chức thẻ Visa cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ người dân sử dụng cùng một lúc nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… ngày càng cao, trung bình khoảng 93%. Trong đó, Việt Nam chiếm 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia khoảng 96%. Cứ 3 người thì có 2 người cố gắng sử dụng không cần dùng tiền mặt, đồng thời 50% là thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN) đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị. Giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Mặc dù thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng, nhưng tại hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt”, các chuyên gia và lãnh đạo các ngân hàng thương mại vẫn chỉ ra nhiều thách thức. Đó là các vấn đề liên quan đến hạ tầng, bảo mật, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh cũng như chuyện nâng cao nhận thức của người tiêu dùng...
Chia sẻ tại hội thảo bà Winnie Wong, Chủ tịch Amcham Việt Nam, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard cho biết, một điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải làm sao duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.
Để nâng cao tỷ lệ khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam và Lào cho rằng, các cơ quan quản lý cần giúp người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó bồi đắp lòng tin với loại hình thanh toán này.
Ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MBBank – đề xuất các cơ quan quản lý cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng công nghệ và dữ liệu của ngành ngân hàng, đồng thời gia tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng, đồng thời cần có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.
Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, để thúc đẩy tiêu dùng không tiền mặt thì phải có sự chung tay, đó là hạ tầng kỹ thuật số, doanh nghiệp cung ứng và người mua đều phải có kiến thức nhất định, có hạ tầng về kinh tế số để ứng dụng.
Bình An (t/h)Theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.