Cần những “cú huých” chính sách để phát triển nền công nghiệp ô tô
Thay vì đầu tư phát triển nền kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ… thì sẽ chuyển sang chiều sâu, hướng tới nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Đặc biệt, chúng ta phải chuyển từ một nền công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, sang sản xuất, tăng giá trị nội địa hoá, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó cần lưu ý đến nền công nghiệp ô tô còn đang bỏ ngỏ nhiều cơ hội.
Cần ưu tiên phát triển thị trường tiềm năng
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương. Theo đó, một trong những nội dung được đề cập khá sâu trong báo cáo này là thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Hiện nay, xu hướng "ô tô hoá" đang gia tăng mạnh mẽ. Mong muốn sở hữu một chiếc ô tô là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và hiện ngày càng nhiều người có khả năng chi trả để mua ô tô. Một chiếc ô tô có giá trị như một căn nhà trung bình ở đô thị. Trong khi với ngành xây dựng, tỷ lệ nội địa hoá đạt 99% thì chúng ta phải nhập khẩu nhiều ô tô để tiêu dùng, còn ô tô sản xuất trong nước thì tỷ lệ nội địa hoá lại đang rất thấp.
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp nội địa đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực đã hình thành, như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô du lịch thương hiệu Mazda; ô tô tải, ô tô bus của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ô tô du lịch và ô tô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công... Gần đây nhất, Thaco đã xuất khẩu (XK) lô xe đầu tiên (xe bus mang thương hiệu riêng của Thaco và xe du lịch thương hiệu Kia Motors) sang các quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan).
Đáng chú ý, các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).
Mặc dù đã có sự chuyển biến, nhưng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động. Giá bán xe ô tô trong nước vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Riêng với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hoá còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Do đó, mục tiêu chúng ta hướng tới là phải có ô tô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỷ lệ nội địa hoá của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ô tô toàn cầu.
Tạo "cú huých" từ chính sách để phát triển
Để phát triển ngành ô tô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, Chính phủ cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán, tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số DN Việt Nam. Đặc biệt, cần hỗ trợ DN tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các DN lớn trong thời gian gần đây và tương lai.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu.
Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách, cải cách hành chính, quy hoạch, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội… để thu hút nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, thường xuyên báo cáo, giải quyết những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Về dài hạn, cần có cơ chế, chính sách thu hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường XK trong khu vực.
Để phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói chung và CNHT cho ngành cơ khí, chế tạo cho ô tô nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo nên "cú huých" lớn cho nền công nghiệp ô tô.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã abày tỏ: "Chính phủ khẳng định sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu".
Trang AnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.