Cần siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp
Hiện nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và đã xử lý một số doanh nghiệp vi phạm.
Unicity trả lại mã số và thanh toán tiền cho bà Dung sau đình chỉ lần 1 vào năm 2017-2018
1. Nội dung phản ánh:
Vừa qua, tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị có nhận được đơn phản ánh của bà Đoàn Thị Mai Chi có địa chỉ tại La Thành, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội là nhà phân phối của Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam có mã số 425197984 cho biết: Công ty đã can thiệp vào sơ đồ trả thưởng, tự động tạo thêm 1 doanh số “ảo” vào mã số cá nhân của tuyến dưới trực tiếp của bà Chi là Nguyễn Ngọc Dung mã số NPP 427428884. Theo bà Chi, mã số của Nguyễn Ngọc Dung đã trong tình trạng đình chỉ từ ngày 14/12/2019. Doanh nghiệp này cũng đã chấm dứt hợp đồng với bà Nguyễn Ngọc Dung vào ngày 15/1/2020.
Về nguyên tắc, khi bị đình chỉ và chấm dứt mã số thì nhà phân phối (NPP) sẽ không còn trong tình trạng hoạt động. NPP không thể mua hàng hay phát sinh doanh số. Mã số sẽ bị treo hoặc đóng hoàn toàn. Bà Chi cho biết, trước ngày 14/2/2020, mã số của Nguyễn Ngọc Dung không còn xuất hiện trên hệ thống. Nhưng đến ngày 06/3/2020, hệ thống kinh doanh xuất hiện mã số Nguyễn Ngọc Dung phát sinh doanh số cá nhân 200 PV (tương đương 8 triệu đồng) vào tháng 1/2020 và tháng 2/2020. Đơn hàng cuối cùng được ghi nhận trên hệ thống cho thấy Nguyễn Ngọc Dung mua hàng vào mã số cá nhân trước khi Unicity đình chỉ vào ngày 14/12/2019.
Cũng theo bà Chi, việc Unicity Marketing Việt Nam tự tạo “doanh số ảo” vào mã số của Nguyễn Ngọc Dung đã khiến bà tụt 4 cấp bậc danh hiệu trong tháng 2/2020 cũng như thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Bà đã đơn khiếu nại cũng như đối thoại với đại diện của doanh nghiệp này nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận kết quả về việc hoàn trả lại số tiền hoa hồng mà bà bị thiệt hại.
Theo quy trình chấm dứt hợp đồng trong Quy tắc hoạt động của Unicity Marketing Việt Nam, doanh nghiệp sẽ tất toán các khoản hoa hồng của nhà phân phối trong vòng 30 ngày sau khi chấm dứt hợp đồng. Vậy khi phát sinh doanh số cá nhân mà tiền không vào tài khoản của NPP tuyến trên hoặc tuyến dưới, thì số tiền hàng trăm triệu này đang chảy về đâu? Việc phát sinh doanh thu, nếu không phải nhầm lẫn, đồng nghĩa với việc những nhà quản lý của doanh nghiệp này tạo ra để thu lợi riêng và “xù” tiền hoa hồng của các NPP. Ngày 15/4/2020, mã số Nguyễn Ngọc Dung bỗng dưng biến mất hoàn toàn trên hệ thống. Unicity Marketing Việt Nam gửi phản hồi cho bà Chi với nội dung “đã hoàn tất các khiếu nại” và không hề đề cập đến việc thanh toán số tiền hoa hồng còn thiếu và những quyền lợi đi kèm.
Sự việc đã kéo dài hơn 2 tháng, bà Chi cho rằng Unicity Marketing Việt Nam đã không giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp của NPP. Sau nhiều lần gửi văn bản, Unicity Marketing Việt Nam trả lời vòng vo rằng hệ thống đang trong quá trình hoàn tất chuyển đổi và không đề cập khi nào sẽ thanh toán số tiền hoa hồng mà NPP bị thiệt hại.
Bà Chi nghi ngờ, tiền thuế thu nhập cá nhân của các NPP bị trừ không rõ ràng. Số tiền 5% hàng tháng, Unicity Marketing Việt Nam khấu trừ tại nguồn có thật sự nộp cho ngân sách Nhà nước hay không?
Phản ánh với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Dung, địa chỉ tại Ba Đình, Hà Nội, mã số NPP 4274288884 cho rằng: Bà bị Unicity Marketing Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp khi bà không vi phạm quy tắc trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp này đã vi phạm các quy định về chấm dứt hợp đồng được ký kết giữa 2 bên và các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Phản hồi của Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam tại Công văn số 26/2020-LG:
Để có được thông tin đa chiều, phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã làm việc với Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam.Trong Công văn số 26/2020-LG ngày 21/4/2020, bà Mai Thị Thạch – Giám đốc doanh nghiệp trả lời, chúng tôi xin trích dẫn nội dung của công văn này:
- “Đối với việc Công ty Unicity can thiệp vào sơ đồ trả thưởng tự tạo thêm một doanh số ảo và mã cá nhân theo phản ánh của bà Chi. Theo Unicity trong tháng 2/2020 Unicity đã xử lý kỷ luật một số trường hợp liên quan đến vi phạm Quy tắc hoạt động, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp (bao gồm việc ban hành Thông báo Chấm dứt hợp đồng) của một số nhà phân phối (NPP), trong đó có trường hợp liên quan đến hệ thống tuyến dưới của bà Đoàn Thị Mai Chi (cụ thể là xử lý mã số của bà Nguyễn Ngọc Dung). Do đó, trong hệ thống các NPP có tình trạng thay đổi vào thời gian này.
- Việc thay đổi này là hoàn toàn bình thường đối với một mạng lưới hoạt động bán hàng đa cấp vì các mã số gắn với nhau bằng hệ thống, cụ thể trong trường hợp của bà Đoàn Thị Mai Chi thì mã số của tuyến dưới (mã số của Nguyễn Ngọc Dung) bị thay đổi tình trạng hoạt động, Unicity khẳng định thực tế kinh doanh của bà Đoàn Thị Mai Chi như tổng doanh số, số lượng tuyển dụng, điểm cá nhân… không hề thay đổi và Unicity không hề có bất kỳ sự can thiệp nào ngoài việc xử lý vi phạm nhà phân phối của mình theo quy tắc hoạt động đã được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương cấp phép.
- Tại thời điểm tháng 3/2020, hệ thống vẫn chưa hoàn tất việc chuyển đổi nên ghi nhận bà Nguyễn Ngọc Dung ở trạng thái tạm ngừng hoạt động để chờ xử lý vi phạm do bà Dung và luật sư được ủy quyền của bà Dung có khiếu nại lên công ty. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của bà Dung và xem xét lại các chứng cứ, Unicity quyết định giữ nguyên quyết định của mình và chúng tôi cũng sẵn sàng cho việc theo đuổi các hành động pháp lý để bảo vệ công việc kinh doanh một cách hợp pháp. Vì lý do đó, từ tháng 4/2020, hệ thống của Unicity đã hoàn tất việc chấm dứt hoàn toàn tình trạng hoạt động của các mã số vi phạm, trong đó có mã số dưới hệ thống của bà Đoàn Thị Mai Chi vào ngày 16/4/2020”.
- Về thu nhập cá nhân của các NPP cũng bị lạm thu không rõ ràng:
“Unicity thực hiện việc tính thuế, kê khai nộp thuế thông qua sự quản lý của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, xin lưu ý rằng, theo quy định của luật, tất cả các khoản hoa hồng từ hoạt động bán hàng đa cấp đều phải được thanh toán cho NPP bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng, do vậy, không thể có chuyện Unicity lạm dụng thu thuế, không kê khai và không nộp thuế cho Nhà nước”.
- Chấm dứt hợp đồng lao động:
“Bà Dung đã tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của một số công ty bán hàng đa cấp khác trong khi vẫn đang là NPP và hưởng hoa hồng từ Unicity, theo Quy tắc hoạt động, mục C phần 3, “trách nhiệm của nhà phân phối”.
Bà Dung đã thực hiện các hành động làm ảnh hưởng đến danh tiếng, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Unicity hoặc NPP của Unicity. Cụ thể, bà Dung đã cung cấp các thông tin sai sự thật cho báo chí về Unicity và có những phát ngôn mang tính vu khống Unicity trên các phương tiện truyền thông.
Với các hành vi trên, căn cứ theo Quy tắc hoạt động được phê duyệt bởi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Unicity có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với bà Dung”.
Với nội dung văn bản trả lời của Unicity Marketing Việt Nam, bà Đoàn Thị Mai Chi cho rằng, bà là nhà phân phối lâu năm, về chính sách trả thưởng bà nắm rõ. Doanh số hay hoa hồng của cá nhân hay đội nhóm đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển đến cấp bậc, danh hiệu.
Nội dung doanh nghiệp trả lời không đề cập vấn đề thanh toán tiền hoa hồng còn thiếu cho NPP, trực tiếp là bà Chi. Nếu tính đúng sơ đồ trả thưởng, danh hiệu của bà là “Executive Director”. Nếu chấp nhận doanh số cá nhân “ảo” được tạo ra trên hệ thống, vào mã tuyến dưới như đã đề cập, bà chỉ còn danh hiệu “Executive Manager” (tụt 4 cấp). Đồng nghĩa, hoa hồng thu được bị sụt giảm đáng kể. Thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Hình ảnh ghi nhận từ hệ thống kinh doanh của bà Chi về mã số 427428884 của Nguyễn Ngọc Dung bất ngờ xuất hiện doanh số cá nhân 200 PV được xác lập bằng vi bằng.
Tham vấn của Luật sư
Về các vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Tính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Theo quy định của pháp luật thì việc nộp thuế thu nhập cá nhân là quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Vì vậy, nghĩa vụ của các tổ chức chi trả thu nhập phải trích nộp đúng và đủ số tiền mỗi cá nhân có thu nhập phải nộp. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các nhà phân phối có quyền yêu cầu Công ty Unicity Marketing Việt Nam cung cấp toàn bộ thông tin về việc kê khai và trích nộp thuế thu nhập cá nhân của mình.
Trong trường hợp doanh nghiệp khai sai với số tiền thuế mà mình phải nộp thì có quyền khiếu nại hoặc tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền. Khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện các sai phạm về kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân của các NPP không đúng thì doanh nghiệp này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về số thuế phải nộp thì cơ quan có thẩm quyền đề nghị khởi tố vụ án với tội danh trốn thuế quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với NPP, luật sư cho rằng việc Công ty Unicity Marketing Việt Nam chấm dứt hợp đồng phân phối với bà Dung là chưa phù hợp như: “bà Dung tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của một số công ty bán hàng đa cấp khác”. Công ty Unicity Marketing Việt Nam cần đưa ra một số bằng chứng khách quan để làm cơ sở cho quyết định của mình.
Trong trường hợp bà Dung hoặc các NPP khác bị đơn phương chấm dứt hợp đồng không đúng quy định của pháp luật và bị thiệt hại do tiền hoa hồng được chi trả không đúng như chính sách trả thưởng (trường hợp của bà Chi), thì họ có quyền khởi kiện yêu cầu toà án buộc doanh nghiệp này phải thanh toán toàn bộ các khoản chênh lệch tiền hoa hồng mà doanh nghiệp còn thiếu, nếu không có việc hợp đồng bị chấm dứt đúng quy định và lỗi từ NPP.
Ngoài ra, bà Dung còn được quyền yêu cầu Công ty Unicity Marketing Việt Nam phải xin lỗi công khai nếu có căn cứ cho rằng các phát ngôn của Unicity đã gây tổn hại đến danh dự, hình ảnh và uy tín cá nhân của mình theo Điều 345 Bộ luật Dân sự.
Hiện nay, bà Dung đang nộp đơn khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Và bà Đoàn Thị Mai Chi đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ Công Thương, Hiệp hội Bán hàng đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh, Công an Kinh tế và các cơ quan liên quan khác.
Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến tiếp theo.
Hà Loan (thực hiện)
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.