Cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống để CPI dưới 4%

Chính sách
11:14 AM 05/07/2022

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để CPI dao động trong khoảng 4% là vấn đề khó, cần sự điều phối nhịp nhàng của cả hệ thống.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý II 7,72% và 6 tháng đầu năm 6,42% là "những con số tích cực". Điều này cho thấy chúng ta đang thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây là kết quả tổng hoà của các giải pháp đồng bộ từ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và sự đoàn kết tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên chúng ta mới đạt được kết quả như vậy.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống để CPI dưới 4% - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Báo Đầu Tư

năm 2022 là năm phục hồi, là năm nền tảng quan trọng để năm 2023 có thể quay trở lại quỹ đạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững như trước đây.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lưu ý 2 vấn đề khó khăn nổi lên trong thời gian qua, đó là giá cả và thiếu hụt lao động.

"Lạm phát của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chưa phải là vấn đề quá nóng, nhưng nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do đó cần phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả. Để CPI dao động trong khoảng 4% là vấn đề khó, cần sự điều phối nhịp nhàng của cả hệ thống", Thứ trưởng nêu.

Về vấn đề thiếu hụt lao động, Thứ trưởng đánh giá đây không phải vấn đề mang tính dài hạn nhưng lại ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các khu vực trung tâm là động lực của nền kinh tế khi lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất gia tăng thêm các giải pháp để kết nối thị trường lao động. Những lao động vốn dĩ có tay nghề sau dịch bệnh đã về quê, để bù đắp lại được cũng cần thời gian. Giải quyết được vấn đề này thì kỳ vọng cho nền kinh tế cuối năm sẽ tích cực hơn kết hợp cùng các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội", ông nói.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng của cả hệ thống để CPI dưới 4% - Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng quý II 7,72% và 6 tháng đầu năm 6,42%. Ảnh: VTV

Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022 và mục tiêu tăng trưởng cần đạt được trong 6 tháng cuối năm 2022.

Theo đó, với kịch bản 1: mục tiêu GDP tăng 6,5% thì quý III cần tăng 7,9% (trong khoảng 7,5-8% tại Nghị quyết 01), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01 khoảng 0,7 điểm phần trăm).

Với kịch bản 2: để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,0% thì quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).

Về kịch bản đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ tăng trưởng 6,5%, Thứ trưởng cho biết, đây là con số có tính khả thi tương đối lớn bởi nhiều giải pháp đã được thực hiện để phục hồi kinh tế, đặc biệt là tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu GDP cả năm khoảng 7,0%, cao hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%) để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đánh giá nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm rất nặng nề và chỉ đạo tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.