Cẩn thận với bệnh nhiễm nấm đen ở trẻ em
Gần đây, nhiều trường hợp trẻ đến bệnh viện khám vì xuất hiện các thương tổn nâu đen ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Do nghĩ đây là bớt sắc tố nên nhiều gia đình không đưa con đến bệnh viện thăm khám ngay mà chỉ đưa trẻ đến bệnh viện khi có mong muốn xóa bớt bằng laser. Thậm chí, có các trường hợp trẻ đã được điều trị laser ở bên ngoài nhiều lần nhưng bệnh không giảm, các thương tổn ngày càng đậm và lan rộng.
Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, thời gian vừa qua tại đây tiếp nhận một số trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến khám làm xét nghiệm kiểm tra, các bác sĩ nhận định những trường hợp này là nhiễm nấm đen lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Bệnh nấm đen do một loại nấm men tên là Hortae werneckii gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, biểu hiện bởi những dát màu nâu đen hình dạng không đều, giới hạn tương đối rõ, không kèm theo triệu chứng đau rát hay ngứa ngáy, ở một bên lòng bàn tay, cũng có thể gặp ở lòng bàn chân hoặc hiếm hơn ở cả hai bên.
Bệnh nấm đen không lây trực tiếp từ người sang người. Thường có những yếu tố thuận lợi dễ nhiễm nấm Hortae werneckii như tăng tiết mồ hôi nhiều ở lòng bàn tay, lòng bàn chân làm da luôn ẩm ướt hoặc khi sự toàn vẹn của da không còn do bị chấn thương hay mắc một số bệnh lý làm suy yếu hàng rào bảo vệ da.
Với chẩn đoán và điều trị kháng nấm phù hợp, các thương tổn nâu đen này biến mất sau 2-3 tuần. Nếu không điều trị, bệnh thường diễn tiến mạn tính, không tự hồi phục.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện con em mình xuất hiện các thương tổn sắc tố trên da, đặc biệt là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, phụ huynh hãy đưa các bé đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh làm thương tổn kéo dài.
Hoàng MaiKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.