Cần thẳng thắn loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh"
Thời gian vừa qua, dư luận trong nước nhiều lần sôi sục với thông tin về bạo lực học đường, diễn ra từ khắp các cấp, các đối tượng: Giáo viên, học sinh, phụ huynh,… làm dấy lên lo ngại trường học không còn là nơi thực sự an toàn, học sinh vô tình trở thành "nạn nhân". Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn thực trạng này...
Trường học không còn an toàn
Ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung, trẻ em luôn là đối tượng được chú trọng bảo vệ. Hơn nữa trong môi trường giáo dục, các tổ chức, cơ quan, hay cá nhân đều hướng tới bảo vệ quyền lợi tối đa cho trẻ em.
Thế nhưng, thời gian vừa qua, dư luận trong nước nhiều lần sôi sục với thông tin về bạo lực học đường diễn ra từ khắp các cấp, các đối tượng: Giáo viên, học sinh, phụ huynh,… khiến trường học không còn là nơi thực sự an toàn, học sinh vô tình trở thành "nạn nhân".
Mức độ bạo lực học đường không những không được khống chế mà lại còn mở rộng hơn ở đối tượng. Lẽ ra, phụ huynh phải là những tấm gương sáng góp phần quan trọng trong việc phòng chống bạo lực học đường. Nhưng giờ đây một số phụ huynh lại chính là đối tượng gây ra bạo lực học đường ngay trước mặt con mình và những đứa trẻ khác.
Điển hình, mới đây (ngày 21/12/2020) Công an TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Triệu Ngọc Phương về hành vi "cố ý gây thương tích".
Trước đó, ông Phương đã có hành vi xông vào lớp học liên tiếp đấm, đá, hành hung một học sinh lớp 6 trước nhiều học sinh khác chỉ vì bạn đó có hành vi xô xát với con mình. Không dừng lại ở đó, ông Phương còn ngang nhiên đưa học sinh này ra khỏi trường để tiếp tục hành hung. Sự kiện này khiến dư luận vô cùng bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với hành vi của người đàn ông này.
Trước đó hơn một tháng, dư luận cả nước cũng đã từng bức xúc trước việc một người đàn ông ở Lào Cai có hành vi tát liên tiếp một đứa trẻ 2 tuổi chỉ vì giành đồ chơi của con mình. Ngay sau đó, người này đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật và dư luận.
Vì sao, người lớn lại có thể sẵn sàng ra tay hành hung một đứa trẻ chưa đủ nhận thức, chỉ nhỏ bằng chính đứa con của mình? Liệu chứng kiến hành động của bố mình như thế, trong tâm thức chính đứa con của họ sẽ hình thành một nhân cách và nhận thức như thế nào?
Không để trẻ em thành "nạn nhân" trong trường học
Có lẽ, nhiều người sẽ thắc mắc vì sao trẻ em lại có thể trở thành "nạn nhân" trong trường học? Từ "nạn nhân" có thật sự thích hợp hay không? Để hiểu thêm về cách gọi này của PV, chúng ta cùng nhìn lại một sự kiện ở chính Thủ đô mà dư luận vẫn chưa hết bức xúc.
Sự việc xảy ra tại ngôi Trường Liên cấp Pascal có địa chỉ tại lô TH1, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Đêm trước ngày khai giảng năm học mới 2018-2019, bỗng dưng nhiều đống đất, cát được đổ kín khu vực sảnh A của nhà trường, các cổng ra vào đều bị khóa kín và đổ cát. Sự việc trên đã khiến hơn một nghìn học sinh phải di chuyển khai giảng nhờ tại điểm khác vào sáng hôm sau.
Thời gian sau, dư luận mới được biết việc làm trên xuất phát từ việc tranh chấp hợp đồng kinh tế xảy ra giữa Công ty CP Phát triển giáo dục TDS và Trường Pascal. Từ đó, hai đơn vị này đã lôi nhau ra tòa để giải quyết trên phương diện pháp luật và hơn một nghìn học sinh bị ảnh hưởng, một năm sau không thể tiếp tục được và phải đi học nhờ tại nơi khác. Nhiều quan điểm cho rằng, nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất để làm giáo dục, nếu cá nhân bất đồng thì có thể đưa đơn ra tòa chứ không thể dùng hành vi phi giáo dục để đẩy hơn một nghìn học sinh vào cảnh không có chỗ học.
Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND quận Bắc Từ Liêm và Tòa Phúc thẩm Hà Nội đã nêu rõ: mục đích đổ đất cát, căng băng rôn, khẩu hiệu… buộc Trường Pascal ngừng hoạt động do phía Công ty TDS làm không phải là để hoàn thiện hệ thống PCCC, mà là nhằm ép buộc Trường Newton ký hợp đồng chuyển nhượng lại cổ phần.
Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu những người làm công tác giáo dục lại có hành vi mang tính chất côn đồ để xử lý tranh chấp gây ảnh hướng đến quyền lợi của hàng nghìn học sinh có xứng đáng tồn tại trong nền giáo dục nữa hay không?
Trước tất cả những thực trạng và sự kiện nêu trên và những tồn tại vẫn âm thầm diễn ra hàng ngày, cần đặt ra câu hỏi liệu trường học có còn thật sự an toàn với trẻ em? Phải làm thế nào để trẻ em không vô tình trở thành "nạn nhân" trong chính "ngôi nhà thứ 2" của mình?.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng đã có Nghị quyết về tăng cường các giải pháp xây dựng trường học an toàn và chống bạo lực học đường. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có các văn bản gửi Chủ tịch các tỉnh, thành phố trong toàn quốc nêu rõ trách nhiệm, vai trò quản lý tại địa phương đối với các hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã rất chú trọng công tác này và đã ký ban hành Chỉ thị 1707 về việc xử lý vi phạm về đạo đức nhà giáo. Theo Chỉ thị này, khi xảy ra các vụ bạo hành, bạo lực học đường hoặc hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, thì giáo viên đó sẽ bị đình chỉ và để cơ quan chức năng, cơ quan công an, chính quyền địa phương, Hội đồng kỷ luật của nhà trường tiến hành các bước xử lý theo quy định.
Có lẽ, sau tất cả, những người làm giáo dục cần nhìn thẳng vào thực trạng đang diễn ra một cách đáng báo động để có biện pháp răn đe, ngăn chặn kịp thời, để trẻ em có môi trường học tập tốt nhất và sẽ không trở thành nạn nhân trong chính ngôi trường của mình.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.