Cần thêm cơ chế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Diễn đàn
01:07 PM 11/03/2023

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên để tạo hiệu ứng lan toả cho các doanh nghiệp nội địa, cần tạo cơ chế, động lực để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển căn cơ hơn.

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký. Để thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ cung ứng các loại nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng để để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững, tránh bẫy thu nhập trung bình; các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. 

Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều văn bản chính sách được ban hành. Thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung thêm nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về tài chính, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất... Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ được hỗ trợ tín dụng dưới hình thức cấp bù lãi suất và hỗ trợ lãi vay với mức hỗ trợ 3%.

Cần thêm cơ chế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh 1.

Cần thêm cơ chế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: Đầu tư Chứng khoán

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai hiệu quả chương trình phát triển CNHT, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp (DN) trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu. Đồng thời, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các DN công nghiệp đầu tàu trong nước; phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các DN trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ.

Trước mắt, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ xây dựng cơ chế, tham mưu các chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước, các tập đoàn, DN Nhà nước như EVN, PVN, Viettel, VNPT… cần phải ưu tiên mua sắm, đặt hàng của các DN trong nước.

Tại Hội thảo "Phát triển liên kết giữa Doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo" do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC), tổ chức, nhiều chuyên gia đã đề xuất giải pháp để phát triển ngành CNHT căn cơ hơn.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT TP. Hà Nội kiến nghị, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các DN ngành CNHT được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều DN CNHT phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.

Theo bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ - Cục Công nghiệp, một trong những rào cản phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian qua là quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển công nghệ. Do đó, cần có chính sách tín dụng hiệu quả hơn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cần tăng quy mô doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh. Các cơ quan nhà nước cũng cần có hỗ trợ năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trương Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ, năng lực kỹ thuật sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém, hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ô tô nhưng chi phí sản xuất cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực. Do đó, mấu chốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp lễ 30/4 và 1/5 Hà Nội: Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách dịp lễ 30/4 và 1/5

Sở Du lịch Hà Nội vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố trong dịp nghỉ Lễ.