Cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt

Đời sống
03:27 PM 10/02/2022

Mới đây, tại Học Viện Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ những vấn đề lý luận và thực tiễn. Tại Hội thảo, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt.

Với sự tham gia của gần 150 nhà khoa học, thực tiễn, chuyên gia pháp lý trong và ngoài ngành công an, hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, đánh giá thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian qua. Qua đó, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thời gian tới.

Cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: DANH TRỌNG

Tại hội thảo, các đại biểu trong và ngoài ngành công an đều thống nhất cao về sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật theo hướng tách Luật giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo các đại biểu, việc không phân định rõ cơ quan, tổ chức chủ trì đối với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ dẫn đến tình trạng chồng chéo và chia cắt khi thực hiện.

Nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 chưa đầy đủ, toàn diện và một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, không theo kịp xu hướng chung của thế giới...

Tách Luật sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân

Tham luận tại hội thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) phân tích, sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt - Ảnh 2.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, trình bày ý kiến tại hội thảo - Ảnh: DANH TRỌNG

Theo Đại tá Bình, ATGT, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn. Trong đó, ATGT (an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ  thuật. 

Tên gọi Luật GTĐB là chuyên ngành nhưng nội dung phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.

Đại tá Bình cho rằng, hoạt động GTĐB liên quan, tác động trực tiếp tới quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản khi đi lại. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện; không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…

Từ những phân tích trên, Đại tá Bình cho rằng, việc phân tách Luật GTĐB 2008 thành 2 Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung. Ông khẳng định, việc tách Luật sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước và người dân. Việc này không có trùng chéo, chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ của các bộ quản lý.

Không cần phải bàn cãi việc tách luật

Cùng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ.

Cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt - Ảnh 3.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội

"Ai là người chịu trách nhiệm đối với kết cấu hạ tầng, các vụ án tham nhũng trong xây dựng cao tốc, bớt xén quá trình xây dựng đường gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng vậy. Việc tồn tại các điểm đen giao thông, vậy tại sao có điểm đen, ai giải quyết.

Đặc biệt, việc lái xe gây tai nạn liên tục, có trạng thái tâm thần, vẫn được cấp bằng, đổi bằng, thậm chí sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng nhiều năm. Câu hỏi ai chịu trách nhiệm đang là băn khoăn của các đại biểu Quốc hội", Trung tướng Đức nêu.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh, việc tách luật đến nay không cần bàn cãi nữa, nhưng điều quan trọng là việc thực hiện tách luật phải được tiến hành chặt chẽ. Khi tách phải chuẩn nhất, không bị trùng.

Phân định rõ trách nhiệm

Tán thành với việc tách Luật GTĐB thành 2 luật là cần thiết, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích với 3 điểm chính. Đó là: Cơ sở chính trị, pháp lý; cơ sở thực tiễn vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và tính cấp thiết của vấn đề này - từ góc nhìn báo chí truyền thông.

Cần thiết phải tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai đạo luật chuyên biệt - Ảnh 4.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, việc tách thành hai luật chuyên ngành riêng sẽ phân khúc chuẩn xác hơn và dễ dàng hơn trong việc xác định Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính cho cả ba lĩnh vực. Đó là: An toàn giao thông (tương ứng với Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ); Kết cấu hạ tầng giao thông; Và Vận tải đường bộ (tương ứng với Luật Đường bộ).

Từ góc nhìn quản lý báo chí truyền thông, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, tính cấp thiết của việc tách 2 luật được thể hiện trong việc ứng dụng phương pháp tiếp cận quyền con người trong việc xây dựng Dự án Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Đồng thời, việc này cũng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết về điều kiện pháp lý cho việc số hoá và xây dựng dữ liệu lớn trong phân cấp, quản lý đối với các chủ thể chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực thuộc Giao thông đường bộ.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4

Lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440.000 lượt hành khách đi và đến trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.