Cần Thơ: Báo chí, truyền thông là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong tình hình mới
Kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh cả nước đang căng thẳng chống dịch COVID-19 nên các hoạt động tập trung bị hạn chế tối đa, dù rất bận rộn nhưng Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường cũng dành thời gian cho Tạp Chí Doanh nghiệp và Tiếp thị một bài phỏng vấn xoay quanh chủ đề "Truyền thông báo chí trong tình hình mới".
Phóng viên: Thành phố Cần Thơ vừa trải qua 2 sự kiện lớn: Bầu cử QH, HĐND các cấp và phòng chống đợt bùng phát mới của COVID-19. Trong các sự kiện mang tính đại chúng như vậy, vai trò của công tác thông tin tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Xin ông cho biết, công tác này của chính quyền thành phố trong thời gian qua như thế nào?
Ông Trần Việt Trường: Thành phố Cần Thơ xác định: Báo chí, truyền thông là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Cần Thơ đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành vào ngày 23/5/2021.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử luôn được đặc biệt quan tâm coi trọng, nhằm động viên, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử; tạo không khí tin tưởng, thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử.
Ngày 29/01/2021, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Căn cứ Chỉ thị số 01 của UBND thành phố và Kế hoạch số 4711/KH-BTTTT ngày 26/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã xây dựng Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trên cơ sở đó, đã định hướng và cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí tuyên truyền, nhân dân tích cực, chủ động tham gia bầu cử; đồng thời phản ánh không khí dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật của bầu cử; kịp thời biểu dương những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là bầu cử ở các vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, ngay từ đầu, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo báo chí phải phát huy cao nhất vai trò tiên phong, trách nhiệm xã hội, nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, của Chính phủ, các bộ, ngành về phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm về thông tin phòng, chống dịch bệnh, nhất là thông tin trên mạng xã hội.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (trực thuộc Sở Y tế) thường xuyên cập nhật danh sách các địa phương có dịch COVID-19 theo Bộ Y tế và hướng dẫn cách ly người từ địa phương khác về thành phố. Việc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan báo chí tuyên truyền đã giúp cho các cơ quan, tổ chức và người dân biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Các lực lượng truyền thông đã chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trên tất cả các loại hình báo chí, các nhà mạng.
Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng, chống và diễn biến tình hình dịch bệnh… được nhanh chóng truyền tải đến công chúng. Ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch các báo, đài địa phương, Trung ương đóng trên địa bàn đã cử phóng viên bám sát, tác nghiệp ngay tại những nơi cách ly, các bệnh viện, sân bay, … để nắm bắt tình hình và phản ánh kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thăm hỏi và trao quà cho lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các điểm kiểm soát.
Các cơ quan báo chí địa phương đã mở chuyên mục "Phòng, chống dịch COVID-19" trên các ấn phẩm. Qua theo dõi, các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn đã đăng tải hàng ngàn tin, bài, hình ảnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; cung cấp thông tin kịp thời về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn và cả nước; tập trung tuyên truyền các biện pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 nhằm nâng cao hơn nữa tính tự giác, ý thức chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt khuyến cáo 5K để tự bảo vệ mình, gia đình và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng…
Nhờ áp dụng các biện pháp đồng bộ và làm tốt công tác truyền thông nên đến nay, thành phố đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời ngăn chặn tốt dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần "phòng thủ bên trong, tấn công bên ngoài".
Phóng viên: Do đợt dịch COVID-19 mới bùng phát mạnh mẽ, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của các địa phương. Ngay từ cuối năm ngoái, chính quyền thành phố đã đưa ra kịch bản thực hiện 2 nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vậy, qua hơn 5 tháng qua, thành phố đã thực hiện kịch bản này ra sao, thưa ông?
Ông Trần Việt Trường: Trong 5 tháng đầu năm, trước tình hình dịch COVID-19 thời gian qua lây lan với tốc độ rất nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố do liên tục ghi nhận các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, tại khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn.
Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND thành phố thực hiện mục tiêu kép: vừa triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; vừa triển khai các giải pháp giải quyết các vấn đề mới phát sinh, hạn chế sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật là các chỉ số tăng so với cùng kỳ: Trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,06%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15%; tổng thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu giao đạt 43,76% dự toán Trung ương và 42,56% HĐND thành phố giao; sản xuất nông nghiệp phát triển; du lịch có bước phục hồi, số lượt khách đến tăng 20,6%, doanh thu 1.250 tỷ đồng; vận tải hàng hóa tăng 8,69%; vận tải hành khách tăng 22,82%; thu hút đầu tư thành phố chuyển biến tích cực, nhiều nhà đầu tư; trong đó có các tập đoàn lớn đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư trên địa bàn; thành phố cấp mới 1 dự án FDI (Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2), vốn hơn 1,31 tỷ USD; số doanh nghiệp đăng ký mới tăng 8,5% và số vốn đăng ký tăng 3,2 lần.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh đạt những kết quả nhất định. Quản lý nhà nước về đô thị, tài nguyên, môi trường có chuyển biến tốt. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định; thiệt hại do thiên tai, giông lốc, sạt lở bờ sông cơ bản được khắc phục kịp thời. Cải cách hành chính, thanh tra, tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng triển khai có hiệu quả. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Để hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021, rất cần có các giải pháp đồng bộ, tích cực, nhanh chóng, hiệu quả, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tăng cường thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa kiểm soát, khống chế dịch COVID-19 không để lây lan trong cộng đồng; vừa duy trì, phục hồi nhanh và phát kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Thành phố nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; Đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và liên kết vùng, phát huy vai trò trung tâm của thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.
Cần Thơ còn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, ưu tiên của thành phố; Tích cực mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tư xây dựng các dự án du lịch trọng điểm, các khu du lịch quy mô lớn; Mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; đấy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương…
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội; Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Phóng viên: Theo thống kê, TP. Cần Thơ có trên dưới 1.000 phóng viên, cộng tác viên và người làm báo đang hoạt động. Xin ông cho biết, việc quản lý tác nghiệp và cung cấp thông tin cho lực lượng báo chí "khổng lồ" này của chính quyền thành phố như thế nào? Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ông có điều gì nhắn nhủ với anh chị em hoạt động báo chí trong và ngoài thành phố?
Ông Trần Việt Trường: Thành phố Cần Thơ là một trong 4 trung tâm báo chí lớn của cả nước, hiện có khoảng trên 1.000 cán bộ, phóng viên, biên tập viên đang hoạt động tại 68 cơ quan, văn phòng đại diện báo chí chính thức đóng trên địa bàn (chưa tính khoảng 20 phóng viên cơ quan báo chí có mặt trên địa bàn nhưng chưa đăng ký).
Ngoài ra, còn có 8 đơn vị truyền hình trả tiền cung cấp dịch vụ cho gần 80% số hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ qua 42 năm hình thành và phát triển, đến nay Hội có 5 Chi hội và Liên Chi hội nhà báo trực thuộc với hơn 330 hội viên đang hoạt động tại các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn.
Với đội ngũ báo chí ngày một đông đảo, chất lượng tác phẩm báo chí ngày càng nâng cao, báo chí tại TP. Cần Thơ nhìn chung đã phản ánh kịp thời các mặt của đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát hiện cổ vũ và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những thành tựu trong quá trình phát triển thành phố, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Báo chí TP. Cần Thơ đã khẳng định rõ vai trò là diễn đàn của nhân dân; phê phán những biểu hiện tiêu cực, những thông tin sai trái của các thế lực thù địch; thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội, cổ vũ xây dựng xã hội văn minh, con người nhân ái, hào hiệp như Nghị quyết số 45 của Bộ chính trị đã nêu.
Bên cạnh đó, Cổng Thông tin điện tử thành phố được nâng cấp mới lên phiên bản Websphere Portal 8.5, với hơn 100 mục tin, 3 phiên bản là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp được cập nhật. Các mục thông tin về thành phố Cần Thơ như: giới thiệu về quê hương, con người Cần Thơ; các tin tức sự kiện quan trọng diễn ra trong ngày; các thông tin tuyên truyền, văn bản chỉ đạo điều hành, các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, các chính sách ưu tiên, hỗ trợ,…của thành phố được đăng tải đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Ngoài ra, còn có 33 Cổng Thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành; 18 trang thông tin điện tử tổng hợp của các tổ chức đang hoạt động với nhiều hình thức khác nhau, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố truy cập và tham gia đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm, giới thiệu, tuyển dụng…
Khái quát những thành tích trên để cho thấy, đó là kết quả của sự phấn đấu vươn lên của mỗi cán bộ, phóng viên ở mỗi cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần được khắc phục như: Một số cơ quan báo chí chưa làm tốt chức năng văn hóa tư tưởng, chưa thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích được giao.
Trong tác nghiệp, tình trạng phóng viên thông tin thiếu trung thực, giật gân, không vì lợi ích của đất nước, của địa phương vẫn còn xảy ra. Những cơ quan báo chí thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích nhưng chậm đổi mới nội dung, hình thức nên tính hấp dẫn không cao, hiệu quả tuyên truyền thấp.
Nhiều cơ quan báo chí mở thêm ấn phẩm phụ, nhưng không quản lý chặt chẽ, giao khoán nội dung, doanh thu… đã dẫn tới tình trạng thông tin thiếu khách quan, nặng vấn đề kinh tế báo chí. Hiện tượng sao chép tin, bài, nhất là ở báo mạng điện tử, đang diễn ra phổ biến, khiến những cơ quan báo chí làm việc nghiêm túc phải chịu thiệt thòi… Những hiện tượng đó cần được ngăn chặn và đặt ra cho chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của Người làm báo.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin, mạng xã hội không ngừng phát triển như hiện nay, thời gian qua thành phố đã luôn quan tâm và áp dụng nhiều chính sách, giải pháp góp phần cho báo chí phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích trên tinh thần "phát triển đi đôi với quản lý tốt".
Có thể nêu ra một số việc làm cụ thể như: Thực hiện chính sách đặt hàng với báo chí địa phương và một số báo, đài Trung ương trong việc tuyên truyền thông tin thiết yếu, các sự kiện quan trọng trong năm; định kỳ hằng tháng tổ chức giao ban báo chí và hằng quý tổ chức họp báo với các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn.
Qua công tác này, nhiều vấn đề báo chí quan tâm được cung cấp thông tin kịp thời, chính thống giúp báo chí tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Mỗi năm Sở Thông tin và Truyền thông ban hành từ 600 - 700 văn bản tài liệu cung cấp thông tin cho văn phòng đại diện báo chí Trung ương, địa phương và đài truyền thanh quận, huyện tuyên truyền. Hằng năm, Hội Nhà báo phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các Hội viên; phối hợp tổ chức Giải báo chí Phan Ngọc Hiển; bình chọn ấn phẩm Xuân; tổ chức các buổi gặp mặt báo chí nhân Ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam và dịp Tết cổ truyền cho cán bộ, phóng viên báo chí trên địa bàn.
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Thành ủy, UBND thành phố, tôi xin gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới các nhà báo lão thành, các anh chị em phóng viên, biên tập viên đã và đang công tác tại các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn "mạnh khỏe, hạnh phúc", luôn xứng đáng là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ vững "tâm sáng, lòng trong", cùng nhau chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước, xây dựng thành phố ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, thân thiện; xứng tầm là thành phố động lực, trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long như Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch.
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.