Cần Thơ: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, “tạo sinh kế” bền vững cho đồng bào Khmer vùng ĐBSCL
Sáng 19/9, tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), đã diễn ra Hội thảo Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, "tạo sinh kế" bền vững cho người nghèo và đồng bào Khmer vùng ĐBSCL.
Hội thảo do Ủy ban MTTQ TP. Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Chính trị Khu vực 4, Quận ủy Ô Môn, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và Vụ Công tác Dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống được phục hồi và phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, TP Cần Thơ có 27 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với trên 38.000 người, chiếm tỷ lệ 3,04% trên tổng dân số. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 62,3% trên tổng dân số dân tộc thiểu số. Toàn thành phố có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ.
Ông Nguyễn Thực Hiện cho rằng, đối với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật, là nơi để đồng bào dân tộc thực hiện nghi lễ của Phật giáo, tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất và cũng là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục đào tạo con em của đồng bào dân tộc nhằm để bảo tồn giá trị văn hoá như: tiếng nói, chữ viết, hoa văn kiến trúc. Đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi Khmer đã giữ gìn và phát huy tốt các lễ hội văn hoá dân tộc, tôn giáo đi vào đời sống, tinh thần như: lễ cưới, mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây), lễ giỗ ông bà quá cố (Sene Đôn ta), lễ mừng được mùa (Ooc Om Boc - đua ghe Ngo)...
Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, trong thời gian qua, công tác chăm lo đời sống cho đồng bào thiểu số trong đó có dân tộc Khmer luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo thành phố và nhân dân thành phố đầu tư đóng góp thực hiện có hiệu quả thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, các phong trào của MTTQ Việt Nam các cấp đã góp phần làm chuyển biến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được phục hồi và phát triển, trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của cộng đồng dân tộc thiểu số thành phố. Ngoài ra, thành phố đã quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer trong việc học tiếng mẹ đẻ.
Đồng thời, thành phố đã quan tâm phát hành Báo Cần Thơ Khmer ngữ và Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer phát sóng 60 phút/ngày; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ phát sóng tiếng Khmer 5 giờ/ngày. Qua đó, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần rất lớn trong việc thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, trật tự an toàn xã hội… góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân gắn với nét đẹp văn hóa phum, sóc
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ cho biết, ĐBSCL có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số ở 9/13 tỉnh, thành phố. Riêng đồng bào Khmer vùng ĐBSCL có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số, cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang… Việc phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân gắn với nét đẹp văn hóa phum, sóc tạo nên giá trị để phát triển du lịch cho đồng bào Khmer. Những thế mạnh này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, "tạo sinh kế" bền vững cho đồng bào.
Các chính sách dân tộc, phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hiệu quả tích cực, như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay tích cực. Nhưng do xuất phát điểm thấp nên đến nay đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ chưa mang tính hàng hóa, đời sống của đồng bào chưa thực sự đảm bảo và thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Phát huy vai trò của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần phục vụ đất nước, đáp ứng nguyện vọng của sư sãi và đồng bào Khmer vùng nam bộ", Hòa thượng Đào Như - Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trưởng ban Ban Trị sự GHPG Việt Nam TP. Cần Thơ, Phó Chủ tịch (không chuyên trách UBMTTQ TP. Cần Thơ, Trụ trì chùa Pôthi Somrôn cho biết, trong dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông, giữa tôn giáo và dân tộc có sự gắn kết với nhau như một, luôn chia ngọt sẻ bùi, chia vui sẻ buồn trong mọi hoàn cảnh, dù chiến tranh hay hòa bình…
Từ đó khẳng định: Nhà chùa là nơi thực hiện các lễ nghi theo giới luật Phật giáo, lễ hội theo phong tục tập quán của giới Sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer, là trung tâm văn hóa, là nơi giữ gìn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, là nơi truyền đạt giáo lý Phật giáo đến Phật tử, là nơi nương tựa tín ngưỡng Phật giáo trong cuộc sống, cuối cùng là nơi gửi xương cốt lúc qua đời.
Hòa thượng Đào Như cho biết thêm, có tất cả 454 chùa với hơn 8.500 vị chư Tăng đang tu học, dân tộc Khmer khoảng 2 triệu người và hầu hết đều theo đạo Phật hệ phái Nam truyền, nên gọi là "Phật giáo Nam tông Khmer". Nhằm phát huy các giá trị văn hóa và "tạo sinh kế" bền vững cho đồng bào Khmer vùng ĐBSCL, Hòa thượng Đào Như cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù để hoạt động Phật sự chung của GHPG được viên mãn, nhất là giáo dục và đào tạo được cả Phật học lẫn Thế học.
Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho mọi hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đặc biệt là quan tâm đến việc xây dựng quy chế hoạt động của Học viện để Học viện để có cơ sở đào tạo mọi hình thức lâu dài trong công tác giáo dục - đào tạo. Tiếp tục hỗ trợ cho công trình xây dựng các hạng mục của Học viện để đảm bảo cơ sở vật chất để thu hút nguồn nhân lực đào tạo, Tăng sinh ở các tỉnh về Học viện để tham gia khóa học, đặc biệt là liên kết đến các trường đại học Phật giáo của một số nước như: Thái Lan, Campuchia, Sri Lanka, Myanmar…
Phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào Khmer
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Hoanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, Vĩnh Long nằm ở khu vực trung tâm ĐBSCL. Dân số toàn tỉnh khoảng trên 1 triệu người, có 19 dân tộc anh em cùng cộng cư sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 2,6% dân số toàn tỉnh và đồng bào Khmer chiếm 2,21%, sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Người Khmer lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính, chủ yếu là trồng lúa nước, hoa màu. Nghề thủ công truyền thống cũng là một thế mạnh, trong đó nổi bật là nghề chạm khắc gỗ trầm lục, đan lát, làm nhạc cụ, làm bánh dân gian…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đánh giá, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức như: Lễ hội Ok Om Bok, đua ghe Ngo, Ngày hội văn hóa đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh và ngoài tỉnh… công tác tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm; từ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc được cải thiện và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yên tâm lao động, sản xuất, chấp hành tốt chính sách pháp luật Nhà nước; đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong kỳ điều hành ngày mai (19/9), giá xăng dầu trong nước được dự báo biến động trái chiều. Cụ thể, giá xăng có thể tăng khoảng 150-300 đồng/lít, còn dầu diesel có thể giảm khoảng 100-200 đồng/lít.