Cần Thơ: Chuyển mình mạnh mẽ nhờ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
Kết thúc năm 2022, thành phố Cần Thơ đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, một số ngành bứt phá lên mạnh mẽ, góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế đạt 12,64% so với năm 2021. Chia sẻ niềm vui trước thềm năm mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển đã dành cho Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị một cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Năm 2022, các chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ phát triển kinh tế (GRDP), thu nhập bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư, giá trị năng suất lao động, giảm hộ nghèo… đều vượt xa chỉ tiêu đề ra. Ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng này?
Ông Dương Tấn Hiển: Năm 2022, thành phố đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực, tổng số 17/17 chỉ tiêu đều vượt và đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao 12,64% so với năm 2021. Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phục hồi tốt, cung ứng hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt động kết nối, xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ, nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Do chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả nên các khu vực đều tăng, cụ thể như công nghiệp và xây dựng tăng đến 18,18%, dịch vụ tăng 13,19%. Sau đại dịch COVID-19, tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân; các chợ đã hoạt động trở lại góp phần nâng cao giá trị thương mại và lưu chuyển hàng hóa trở nên sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 118.082,30 tỷ đồng, tăng 41,48%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 2.285,7 triệu USD, vượt 13,15% KH, tăng 26,5% so với năm 2021.
Riêng chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ bản có bước đột phá với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 35.524 tỷ đồng, vượt 9,30%, tăng 40,63% so với năm 2021. Nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng đã triển khai: Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C), Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 917, 918, 921, 923…
Riêng Dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn thành phố đã giao cho UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư. Hiện UBND quận Ninh Kiều đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn được nhà thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và sẽ bố trí kế hoạch vốn năm 2023 để triển khai thực hiện.
Phóng viên: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng quyết định đến bộ mặt thành phố trong tương lai. Được biết, thành phố đã triển khai quy hoạch tích hợp phát triển TP. Cần Thơ từ năm 2021 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết, hiện nay đã triển khai được những gì?
Ông Dương Tấn Hiển: UBND thành phố đã hoàn thành Hồ sơ nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang trình Bộ Xây dựng thẩm định theo quy định. Đã hoàn thiện và phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn - giai đoạn 1; chỉ đạo UBND huyện: Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và Thạnh An hoàn chỉnh hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn để trình phê duyệt theo quy định; hoàn thành và phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô. Công tác lập và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc và danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố cũng đã được đôn đốc thực hiện theo phân cấp, ủy quyền của thành phố.
Tiếp tục triển khai các quy hoạch hạ tầng đã được phê duyệt và kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2025. Các lĩnh vực cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, công tác lập và quản lý chi phí các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và quản lý nhà, thị trường bất động sản tiếp tục được duy trì, tuân thủ quy định trong quá trình thực hiện.
Thành phố đã và đang triển khai thực hiện 10 dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, với tổng mức đầu tư 2.159,811 tỷ đồng, với tổng số nền dự kiến 3.834 nền; tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã bố trí 1.469,453 tỷ đồng, trong đó: 3 dự án đã hoàn thành: Khu tái định cư Ô Môn, Khu tái định cư Thốt Nốt, Khu tái định cư Cái Răng; 2 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu: TĐC Long Hòa (khu 2), Khu tái định cư phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (giai đoạn 2); 5 Dự án đang triển khai thực hiện: Khu tái định cư Ninh Kiều, Khu TĐC Bình Thủy (khu 1), TĐC thuộc khu đô thị Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Cái Sơn - Hàng Bàng đến đường tỉnh 923), TĐC Thường Thạnh - Cái Răng và Khu TĐC Phong Điền.
Năm 2022, tổng số vốn bố trí cho các khu tái định cư là 124,938 tỷ đồng, đã giải ngân 59,211 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 47,39%.
Phóng viên: Năm 2023 thành phố Cần Thơ chuẩn bị kỷ niệm 20 thành lập (tách tỉnh Cần Thơ thành TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang). Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu những bước đi đầu tiên trong 20 năm trưởng thành của thành phố. Vậy, thành phố đã chuẩn bị chào đón sự kiện này như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Tấn Hiển: Năm 2023 đánh dấu cột mốc 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và phấn đấu hoàn thành tiến độ mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2023 "Tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tập trung các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố". Bên cạnh những thuận lợi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2023 đạt 95 - 98 triệu đồng. Năm 2022, 85,99 triệu đồng/người, vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 77,5 triệu đồng). Điều này cho thấy mức sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Thu nhập bình quân đầu người của TP. Cần Thơ hiện nay đã tăng 20 lần so với ngày đầu thành lập (4,8 triệu đồng).
Về cơ cấu kinh tế, năm 2023, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,93 - 8,84%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,12 - 31,18%, dịch vụ chiếm 53,11 - 53,12% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,84 - 6,86% trong cơ cấu GRDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến đạt 43.000 tỷ đồng…
Bên cạnh việc hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ tập trung huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư, đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của thành phố, tạo hiệu ứng lan tỏa, gia tăng động lực tăng trưởng…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Văn Dương - Hồng ÂnKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.