Cần Thơ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo
Để góp phần đưa TP. Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của Vùng theo Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 12/5, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP. Cần Thơ tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ".
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá cao chủ đề buổi toạ đàm và hoan nghênh nhóm nghiên cứu tổ chức để trao đổi, tìm hiểu phục vụ nghiên cứu các đề tài. Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ mong nhóm nghiên cứu sẽ đạt những thành công để chuyển giao thành tựu về KH-CN phục vụ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ TP. Cần Thơ trong thời gian tới.
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Cần Thơ, quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) tại TP. Cần Thơ đã có những đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo ra sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so năm 2021, đứng thứ 6 cả nước, xếp thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh vùng ĐBSCL.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, xuất khẩu, du lịch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều có tốc độ tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN); xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, thành phố đã tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong đó xác định doanh nghiệp là trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN mới và ý tưởng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Bà Trần Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở KH-CN TP. Cần Thơ, cho biết: "Thành phố tập trung triển khai đồng bộ các chương trình hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ - bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ - nâng cao năng suất chất lượng, sản xuất, kinh doanh... Thông qua Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong đổi mới công nghệ, thiết bị, đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như hàng chục công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, năng suất lao động trung bình tăng khoảng 2 lần; doanh thu của các DN tăng khoảng 30%, lợi nhuận tăng khoảng 25% so với trước khi cải tiến, đổi mới.
Khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Tính đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30,6% so với tổng giá trị sản phẩm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của TP giai đoạn 2014-2021 đạt 13,02%".
Tuy nhiên, dù đã được đầu tư, nâng cấp về tiềm lực, cơ sở vật chất nhưng hạ tầng kỹ thuật về KH-CN của TP. Cần Thơ vẫn còn yếu, thiếu, chưa đồng bộ so với nhu cầu phát triển.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng KH-CN mới và đổi mới sáng tạo tại Cần Thơ; làm rõ những thành công, hạn chế và nguyên nhân; đặc biệt, làm rõ vai trò của Nhà nước và các bên liên quan trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong quá trình lựa chọn, thực hiện các mục tiêu phát triển địa phương…
Theo nhiều đại biểu, một trong những điểm nghẽn trong quá trình CNH-HĐH là hạ tầng cơ sở của ĐBSCL nói chung, TP. Cần Thơ, nói riêng, còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Ông Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, cho rằng: Cần Thơ có nhiều lợi thế để phát triển CNH-HĐH khi là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo. Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, định hướng lớn để xây dựng và phát triển thành phố. Tuy nhiên, Cần Thơ gặp nhiều khó khăn khi cụ thể hóa những chính sách, Nghị quyết vì nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu các DN nước ngoài vào đầu tư, liên kết vùng còn yếu...
Từ thực trạng trên, ông Phan Công Khanh đề xuất giải pháp cần làm là tạo môi trường cho nhà đầu tư, tăng đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo; tìm thị trường mới cho sản phẩm nông nghiệp góp phần tăng thu nhập cho nông dân và là cơ sở đẩy mạnh CNH-HĐH trong sản xuất, chế biến; thực hiện liên kết vùng để phối hợp hài hoà trong phát triển KT-XH, đưa ĐBSCL cùng đi lên, trong đó TP. Cần Thơ có vai trò là trung tâm động lực phát triển của cả vùng.
Đồng thuận với ý kiến trên, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, bổ sung: Bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội, TP. Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được nghiên cứu, khắc phục trên đường phát triển. Cụ thể như sân bay Cần Thơ chưa được khai thác hiệu quả; luồng lạch tuyến đường huyết mạch từ kênh Quan Chánh Bố đến cảng Cần Thơ chưa thật sự thông thoảng; Giáo dục – đào tạo vẫn còn bất cập trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực… Trung ương cần quan tâm đầu tư cho Cần Thơ, trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cơ sở giao thông, mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ, và cảng Cái Cui để tạo bước đột phá, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của toàn vùng…
Các nhà khoa học, sở, ngành đề xuất thêm những giải pháp nhằm phát huy lợi thế của TP. Cần Thơ trong quá trình thực hiện CNH-HĐH trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo... trong đó Trung ương cần đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chiến lược...Đặc biệt, cần phải có cơ chế, chính sách thoả đáng để đặt KH-CN vào đúng vị trí là nền tảng cho CNH-HĐH...
Về phía Sở KH-CN TP. Cần Thơ, TS. Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở nêu các biện pháp và mục tiêu: "Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp KH-CN. Triển khai thủ tục đầu tư đối với 5 dự án đã được UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thống nhất đưa vào Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; gồm: Dự án Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN; Dự án Nâng cấp mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động Trung tâm Thông tin KH-CN; Dự án Sàn giao dịch công nghệ.
Phát huy trí tuệ của lực lượng cán bộ KH-CN của các viện, trường đại học vào nghiên cứu, phát triển công nghệ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ ưu tiên như công nghệ thông tin và truyền thông, sinh học, công nghệ vật liệu mới, y sinh học... trong các lĩnh vực KT-XH, quốc phòng, an ninh. Triển khai các nhiệm vụ KH-CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đặc biệt là đầu tư của các DN…".
Thay mặt Ban Tổ chức, GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: "Các ý kiến, kiến nghị trong toạ đàm sẽ được chắt lọc thành báo cáo kiến nghị gởi tới các cơ quan liên quan nhằm góp phần thực hiện tốt đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần đạt được mục tiêu khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030".
Đan PhượngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.