Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ
Hai ê-kíp can thiệp mạch vành và đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phối hợp để cứu sống bệnh nhân nguy kịch cùng lúc bị nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ trong thời gian 60 phút.
Trước đó, vào chiều 4/8, bệnh nhân có triệu chứng nặng ngực ở vùng sau xương ức, cơn đau ngực tái phát nhiều lần. Đến trưa 5/8, người nhà đưa bệnh nhân đến khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, sau khi tiếp nhận và chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp - đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp.
Sau đó, các bác sỹ đã hội chẩn với ê-kíp trực cấp cứu tim mạch can thiệp và chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Thời điểm chuẩn bị bắt đầu đặt ống thông để can thiệp mạch vành, ê-kíp can thiệp phát hiện bệnh nhân có liệt hoàn toàn nửa người bên trái và nói đớ. Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp hiếm gặp, phối hợp giữa nhồi máu cơ tim cấp (do tắc động mạch vành) và nhồi máu não cấp (do tắc một mạch máu ở não).
Kết quả CT scan não kiểm tra ngay tại phòng can thiệp cho thấy phù hợp với chẩn đoán. Ê-kíp can thiệp tim mạch trong thời gian khoảng 40 phút đã hoàn tất nong động mạch vành bị tắc và tiến hành đặt giá đỡ (stent), giúp tái lập dòng máu nuôi tim, liền ngay sau đó ê-kíp can thiệp mạch não chụp kiểm tra phát hiện tắc động mạch não giữa bên phải; thủ thuật lấy huyết khối tái thông mạch máu bị tắc với thời gian 20 phút.
Đến ngày hôm say, kết quả chụp cộng hưởng từ kiểm tra cho thấy mạch máu não bị tắc đã tái thông tốt. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn định, không còn đau ngực, không rối loạn ngôn ngữ, còn yếu nhẹ nửa người bên trái.
Theo TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng khoa đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, tỉ lệ xảy ra đột quỵ nội viện sau nhồi máu cơ tim được ghi nhận với tần suất 1,4-1,5% nhưng có xu hướng ít thay đổi qua nhiều năm. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong trong thời gian nằm viện của nhóm bệnh nhân này cao lên đến 25%. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do choáng tim, choáng nhiễm trùng, suy hô hấp, suy thận, suy tim.
TS.BS Hà Tấn Đức đánh giá, một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhân nhồi máu cơ tim dễ xảy ra đột quỵ bao gồm: Tuổi cao, giới nữ, rung nhĩ, suy tim, đái tháo đường, bệnh thận mạn, xơ vữa mạch máu. Cả hai bệnh lý đều cần được can thiệp càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, nếu chẳng may bị cùng lúc cả hai bệnh thì tùy bối cảnh thực tế, các bác sỹ sẽ lựa chọn phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Có thể thấy, đây là một bệnh cảnh nặng, cần thiết phải được can thiệp cấp cứu và sử dụng những phác đồ điều trị cũng như phương pháp điều trị đặc thù. Việc can thiệp tái tưới máu mạch vành sớm, phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra đột quỵ trong thời gian nằm viện cũng như can thiệp điều trị đột quỵ kịp thời là yếu tố then chốt làm tăng tỉ lệ sống còn của bệnh nhân, giúp người bệnh hạn chế những biến chứng nguy hiểm và di chứng sau này.
Văn Dương - Hồng ÂnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.