Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân COVID-19 có hội chứng nguy kịch hô hấp cấp cần ECMO

Sức khỏe
04:23 PM 19/10/2021

Hỗ trợ oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) có thể cứu sống những bệnh nhân COVID-19 nặng. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa sử dụng phương pháp này cứu sống 1 bệnh nhân nguy kịch.

Ngày 19/10, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Trung tâm Hồi sức quốc gia điều trị COVID-19 bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân trẻ tuổi bị nhiễm SARS-CoV-2 có hội chứng nguy kịch hô hấp cấp cần hỗ trợ oxy qua màng ngoài cơ thể, giảm tiểu cầu do Heparin sau gần 1 tháng điều trị tích cực kết hợp lọc máu liên tục và kỹ thuật ECMO. Đây là ca bệnh can thiệp ECMO thứ 6 thực hiện tại trung tâm.

Êkíp can thiệp ECMO cho bệnh nhân.

Ê-kíp can thiệp ECMO cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, có nhiều biến chứng liên quan đến thủ thuật này, bao gồm giảm tiểu cầu do Heparin (HIT). Mặc dù hiếm gặp trong các trường hợp ECMO, HIT có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh nhân N.Đ.A, 34 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị COVID-19 vào 19h40 ngày 23/9, ngày thứ 5 nhiễm COVID-19 trong tình trạng hôn mê, khó thở nặng, phổi tổn thương lan tỏa và đông đặc 2 bên phế trường, phải hỗ trợ can thiệp thở máy thông số bảo vệ phổi nhưng vẫn không đảm bảo độ bão hòa oxy máu cho bệnh nhân. 

Bệnh nhân được chẩn đoán, viêm phổi nặng biến chứng ARDS do nhiễm COVID-19 mức độ nguy kịch với tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong đột ngột bất cứ lúc nào. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp ECMO. Trung tâm đã tiến hành can thiệp lọc máu liên tục và can thiệp ECMO với hi vọng có thể cứu sống bệnh nhân.

Bệnh nhân đã ổn định, được các bác sỹ chăm sóc đặc biệt.

Bệnh nhân đã ổn định, được các bác sỹ chăm sóc đặc biệt.

Trong suốt gần 1 tháng ròng rã can thiệp ECMO, tình trạng bệnh nhân diễn tiến bất lợi liên tục, độ bão hòa oxy máu kém, tiểu cầu giảm thấp kèm với tình trạng tăng đông liên tục làm tăng nguy cơ đột tử cho bệnh nhân và khiến quá trình duy trì kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân trở nên vô cùng khó khăn vì phải thay đến 3 màng oxy hóa máu để duy trì hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân. 

Nhận định đây là trường hợp bệnh lý phức tạp trung tâm hồi sức COVID-19 bệnh viện đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy với chẩn đoán theo dõi giảm tiểu cầu miễn dịch nghĩ do thuốc kháng đông Heparin sử dụng cho bệnh nhân để duy trì hệ thống ECMO.

Bệnh nhân có chỉ định ngưng Heparin ngay lập tức và tiến hành thay thế bằng Xarelto và tiếp theo bằng Argatropan. Được sự hỗ trợ tích cực từ Bệnh viện Chợ Rẫy trong việc cung cấp thuốc kháng đông Argatroban (một thuốc kháng đông thế hệ mới có thể hạn chế một số bất lợi có thể gặp đối với thuốc kháng đông truyền thống Heparin sử dụng ở bệnh nhân chạy ECMO), tình trạng tăng đông của bệnh nhân nhanh chóng được khống chế và giúp hệ thống ECMO hoạt động thuận lợi hơn, góp phần vào việc tăng tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian dài chạy ECMO, các y bác sĩ đã luôn túc trực ngày đêm để vận hành các thiết bị hồi sức tiên tiến có tại trung tâm, cũng như các phương pháp hồi sức nội khoa tích cực cho bệnh nhân theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế bằng kỹ thuật lọc máu liên tục nhiều đợt kết hợp sử dụng quả lọc có chức năng hấp phụ cytokines, thở máy thông số cao, kháng sinh phổ rộng và dinh dưỡng tăng cường cho bệnh nhân. Đến nay, ngày 19/10, bệnh nhân tỉnh táo, hiểu y lệnh của bác sĩ, rút hệ thống ECMO và ống trợ thở thành công, sinh hiệu ổn định, độ bão hòa oxy máu trong giới hạn bình thường.

Bệnh nhân ổn định, ngưng ECMO.

Bệnh nhân ổn định, ngưng ECMO.

Theo BS.CKII Dương Thiện Phước - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhiễm COVID-19 mức độ nguy kịch ngay từ thời điểm nhận bệnh ban đầu từ tuyến trước. Trong suốt quá trình vận hành các kỹ thuật cao để hồi sức cho bệnh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến bệnh nhân mắc hội chứng giảm tiểu cầu do Heparin (heparin-induced thrombocytopenia - HIT). 

Đây là hội chứng ít gặp có liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng đông truyền thống - Heparin để duy trì hệ thống ECMO có thể có liên quan đến yếu tố miễn dịch cơ thể. Theo các báo cáo y khoa, tỷ lệ mắc hội chứng này ở người trưởng thành có can thiệp ECMO là 0,36%.

Bệnh cảnh lâm sàng của giảm tiểu cầu do heparin cũng rất đa dạng, từ không có triệu chứng đến huyết khối đe dọa tính mạng. Việc ngưng sử dụng Heparin ngay lập tức và chuyển sang thuốc khác là xử trí cấp tốc trong trường hợp này. Trong ECMO, các lựa chọn thay thế được ưu tiên là thuốc chống đông máu đường tĩnh mạch như bivalirudin, danaparoid, argatroban và fondaparinux. 

Còn theo Bác sỹ Phạm Thanh Phong, đây không chỉ là niềm vui của gia đình, mà còn là niềm vui của cả ê kíp, của bệnh viện. Cứu được bệnh nhân, ê-kíp tự tin sẽ cứu chữa được cho những bệnh nhân tiếp theo và đặc biệt hiệu quả nâng cao chất lượng khám và điều trị các ca bệnh khó, phức tạp ngay tại bệnh viện thông qua hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Chợ Rẫy.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn