Cần Thơ: Cứu sống sản phụ băng huyết sau sinh
Các bác sĩ Bệnh viện ĐK Trung ương Cần Thơ đã cứu sống bệnh nhân băng huyết sau sinh, sốc mất máu biến chứng suy đa cơ quan, rối loạn đông máu rất nguy kịch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch và hồi sức tích cực.
Theo đó, sản phụ L. T. H. N., 24 tuổi, ngụ tỉnh An Giang, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 17h39, ngày 01/10 với tình trạng thiếu máu rất nặng niêm nhợt, da xanh, lơ mơ, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa nặng, đang sử dụng vận mạch liều cao, bệnh nhân sinh con lần ba.
Ê-kíp can thiệp cho bệnh nhân.
Trước đó, sản phụ N. được phẫu thuật lấy thai với tiền sử ghi nhận nhau tiền đạo ở tuần thứ 31, tuy nhiên ngay sau phẫu thuật lấy thai, bệnh nhân tiến triển băng huyết sau sinh nặng, chảy máu không cầm được, đờ tử cung đã được cấp cứu, cắt tử cung bán phần, truyền 18 đơn vị máu và chế phẩm máu (6 đơn vị huyết tương tương đông lạnh 150ml, 12 đơn vị hồng cầu lắng 350ml), sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, chống toan, tiếp tục truyền hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh, khối tiểu cầu gạn tách, vận mạch, kháng sinh… và khi tình trạng cho phép chuyển bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có cản quang, kết quả ghi nhận hình ảnh ổ thoát mạch.
Bệnh nhân có chỉ định chụp và nút mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền cấp cứu (DSA), kết quả ghi nhận tăng sinh nhiều nhánh động mạch chậu trong hai bên, tổn thương co thắt mạch kèm ổ thoát thuốc vùng tiểu khung được cấp máu từ nhánh chậu trong trái, xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo, chụp kiểm tra ghi nhận không còn ổ thoát mạch, sinh hiệu bệnh nhân ổn định được chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục theo dõi.
Nút tắc điểm chảy máu từ nhánh động mạch mạc treo tràng trên.
Đến trưa ngày 2/10, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết nội tái phát và được chỉ định chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang kiểm tra phát hiện ổ thoát mạch, các bác sĩ tiến hành chụp và nút mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA) lần thứ hai, kết quả ghi nhận hình ảnh thoát mạch được cấp máu từ nhánh động mạch mạc treo tràng trên, xác định vị trí tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo, thủ thuật tiến hành 40 phút, bệnh nhân ổn định tiếp tục hồi sức tích cực.
Bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Sau 2 ngày can thiệp, tình trạng mất máu của bệnh nhân đã được kiểm soát. Tuy nhiên, do mất máu số lượng lớn, bệnh nhân tiến triển suy đa cơ quan, các bác sĩ tiếp tục thực hiện kỹ thuật lọc máu liên tục, trong khi vẫn tiếp tục truyền máu và các chế phẩm của máu. Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định, niêm hồng, vết mổ khô, phổi thông khí tốt, các chỉ số cận lâm sàng tiến triển tốt, đã rút nội khí quản. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại khoa nội thận.
Quá trình cấp cứu, hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân N. được truyền 52 đơn vị máu và chế phẩm của máu (22 đơn vị huyết tương tương đông lạnh, 13 đơn vị hồng cầu lắng, 10 đơn vị tiểu cầu, 7 đơn vị tiểu cầu gạn tách) với sự hỗ trợ của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ trong việc cung cấp máu và chế phẩm máu. Sức khỏe cháu bé ổn định đang được chăm sóc tại gia đình.
Theo các bác sĩ, băng huyết sau sinh xảy ra trong khoảng 6% số ca sinh đẻ, là nguyên nhân của khoảng 25% trường hợp tử vong của sản phụ trên toàn thế giới và là nguyên nhân chính của các trường hợp cắt tử cung chu sinh cấp cứu. Tuy nhiên, theo sự phát triển của y học, tỉ lệ phải cắt tử cung do băng huyết sau sinh ngày càng giảm rõ rệt nhờ những tiến bộ trong việc chẩn đoán, xử trí cấp cứu và các phương pháp điều trị bảo tồn tử cung như thuyên tắc động mạch.
Trong khi đó, đờ tử cung là nguyên nhân gây băng huyết sau sinh phổ biến nhất, và cũng là chỉ định chính cho thuyên tắc động mạch. Tuy nhiên, theo sự phát triển của kĩ thuật thuyên tắc động mạch theo thời gian, các trường hợp băng huyết sau sinh do giả phình động mạch tử cung, nhau cài răng lược, rách sinh dục cũng như các nguyên nhân hiếm gặp khác cũng được điều trị rất hiệu quả bằng thuyên tắc động mạch.
Theo BSCKII Trần Công Khánh, Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết thêm, ưu thế nổi bật của phương pháp nút mạch cầm máu điều trị chấn thương nội tạng là bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được đại phẫu nặng nề, rút ngắn thời gian nằm viện và điều trị. Khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách … do tai nạn, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu, kéo theo một loạt các biến chứng nghiêm trọng như: rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách… tránh biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn trong và sau phẫu thuật như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ… Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới.
Văn Dương - Hồng ÂnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.