Cần Thơ: Cứu sống sản phụ băng huyết sau sinh nguy kịch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch

Địa phương
09:57 AM 19/10/2023

Ngày 18/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực cứu sống sản phụ băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu rất nguy kịch bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.

Theo đó, bệnh nhân T. U. B., 45 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào khoảng 18h ngày 9/10 với tình trạng niêm nhợt, da xanh, mạch nhanh, huyết áp thấp. 

Trước đó, bệnh nhân hậu sản sinh thường tại bệnh viện địa phương, giờ thứ 3 bệnh nhân có biểu hiện băng huyết sau sinh do đờ tử cung được xử trí phẫu thuật cắt tử cung cầm máu cấp cứu, truyền 6 đơn vị máu. Sau đó, bệnh nhân B. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Tiền sử thai kỳ khỏe mạnh, đa nhân xơ tử cung, đây là lần sinh con thứ 4 của sản phụ.

Ê-kíp can thiệp bệnh nhân.

Ê-kíp can thiệp cấp cứu bệnh nhân.

Khoảng 11h ngày 10/10, bệnh nhân B. được chỉ định phẫu thuật thám sát: rạch da theo đường mổ cũ vào ổ bụng có khoảng 300gr máu tươi và máu cục, thám sát thấy rịn máu nhiều nơi, góc bên trái sau phúc mạc có khối máu tụ khoảng 500gr, tình trạng chảy máu của bệnh nhân nhiều vị trí, phức tạp nên các bác sĩ tiến hành khâu cầm máu mỏm cắt, dẫn lưu ổ bụng. 

Sau 2h30 phẫu thuật, bệnh nhân B. sinh hiệu ổn định được chuyển hồi sức sau phẫu thuật. Đến giờ thứ 7 sau phẫu thuật, tình trạng xuất huyết diễn tiến tiếp tục, huyết áp thấp, mạch nhanh, ống dẫn lưu khoảng 700ml máu đỏ sậm, đánh giá tình trạng chảy máu của bệnh nhân còn tiến triển.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiến hành hội chẩn chụp cắt lớp vi tính bụng có cản quang, kết quả có hiện tượng thoát mạch, ê-kíp can thiệp tiến hành chụp và nút mạch điều trị cầm máu các tạng số hóa xóa nền (DSA), kết quả ghi nhận tổn thương dạng ổ đọng thuốc bất thường từ nhánh động mạch chậu trong hai bên, chọn lọc vào từng nhánh động mạch có tổn thương, xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo.

Đến ngày 17/10, tình trạng bệnh nhân B. tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, niêm hồng, vết mổ khô được chuyển khoa Sản theo dõi và điều trị. Quá trình cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 20 đơn vị máu và chế phẩm của máu với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và Bệnh viện Huyết học -Truyền Máu Cần Thơ trong việc cung cấp máu và chế phẩm máu.

Bệnh nhân B. tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng.

Bệnh nhân B. tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng.

Theo BSCKII Nguyễn Hữu Thời, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, băng huyết sau sinh được định nghĩa là tình trạng mất máu trên 500ml trong 24 giờ sau sinh thường hoặc trên 1.000ml sau sinh mổ. Trong đó, băng huyết sau sinh sớm xảy ra trong vòng 24 giờ đầu (thường liên quan đến đờ tử cung, chấn thương, nhau cài răng lược hoặc bệnh lý đông máu có sẵn) và băng huyết sau sinh muộn nếu xảy ra từ 24 giờ đến 12 tuần sau sinh (thường liên quan đến các phần còn sót lại của thai, tổn thương mạch máu lớn sau sinh).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm hơn 14 triệu phụ nữ trên toàn thế giới bị hiện tượng băng huyết sau sinh thường/mổ. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 3% - 8% và đây được xem là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở sản phụ. Còn theo báo cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ, có khoảng 140.000 phụ nữ tử vong vì hiện tượng băng huyết sau sinh trên thế giới mỗi năm. 

Hay nói cách khác, mỗi 4 phút trôi qua, trên thế giới có một trường hợp tử vong vì tai biến hậu sản và hơn một nửa trong số ca tử vong này xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Băng huyết sau khi sinh còn đưa đến nhiều hậu quả nặng nề khác như suy hô hấp, bệnh lý về đông cầm máu, sốc, mất khả năng sinh sản, hoại tử tuyến yên…

Đa số các trường hợp băng huyết sau sinh nhẹ sẽ được điều trị bảo tồn, bằng cách bù dịch và máu nếu cần, sử dụng các loại thuốc tăng co bóp tử cung như oxytocin, prostaglandin, ấn tử cung, đặt bóng chèn nội tử cung… Nếu trong trường hợp băng huyết sau sinh nặng, không đáp ứng với các điều trị bảo tồn trên thì tính mạng của thai phụ có nguy cơ bị đe dọa, khi đó những phương pháp điều trị chuyên sâu hơn sẽ được các bác sĩ xem xét tiến hành.

Trước đây, người ta thường phải cắt tử cung hoặc thắt các mạch máu lớn để ngăn chặn nguồn chảy máu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với sự phát triển của nền y học kỹ thuật cao, việc can thiệp nội mạch đã và đang được ứng dụng ngày càng nhiều và tiến tới là biện pháp điều trị đầu tay thay thế cho phẫu thuật. 

Các bác sĩ sẽ luồn ống thông vào mạch máu của thai phụ qua da, từ đó đến vị trí cần thiết giúp chẩn đoán nguyên nhân và nơi chảy máu. Từ đó có thể tiến hành can thiệp ngay lập tức vào mạch máu thủ phạm. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp can thiệp nội mạch chính là xâm lấn tối thiểu, bảo tồn được các cơ quan quan trọng của sản phụ, hiệu quả gần như lập tức, tiến hành nhanh, có thể lập lại.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn