Cần Thơ: Đặt stent cho cụ ông bị hẹp nặng động mạch chi dưới
Vừa qua, Khoa Tim mạch - Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân M. V. H, 71 tuổi, ngụ huyện An Minh (Kiên Giang) bị hẹp nặng động mạch 2 chi dưới, chân đau loét nên người nhà đưa đến bệnh viện.
Theo đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá nhiều, thường xuất hiện những cơn đau khi đi bộ, đau nhiều vùng cẳng chân phải. Gần đây, ông H bị hẹp nặng động mạch 2 chi dưới, chân đau loét nên người nhà đưa đến nhập viện. Qua thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tắc động mạch đùi nông (phải) mạn tính, tuần hoàn bàng hệ rất yếu, động mạch chi dưới trái hẹp nhiều đoạn rải rác.
Ngày 2/11, ê-kíp bác sĩ Khoa Tim mạch - Can thiệp tim mạch tiến hành can thiệp chụp, nong và đặt stent động mạch chi dưới (phải) cho bệnh nhân. Đây là một thách thức lớn với đội ngũ y, bác sĩ vì bệnh nhân cao tuổi và gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng về mạch máu, khiến cho quá trình can thiệp trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, nhờ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại, ca thủ thuật đã diễn ra thành công, mang lại kết quả tốt đẹp cho bệnh nhân. Hiện ông H đã hồi phục, mạch máu được tái thông, hết đau chi, tập đi lại dần và xuất viện vào ngày 4/11.
Theo các chuyên gia cho biết, hẹp động mạch chi dưới (còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên chi dưới) là một tình trạng phổ biến trong đó các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến chân. Trong bệnh hẹp động mạch chi dưới, chân không nhận đủ lượng máu từ tim để theo kịp nhu cầu của cơ thể. Điều này có thể gây đau chân khi đi lại và các triệu chứng khác.
Bệnh động mạch chi dưới xảy ra khi mảng xơ vữa hình thành trong lòng động mạch chi dưới, làm tắc nghẽn dòng máu. Mảng xơ vữa bao gồm chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác trong máu. Khi những mảng bám này tích tụ thì sẽ chặn hoàn toàn hoặc một phần, thu hẹp lòng động mạch, hạn chế lưu lượng máu đến mô ở chân cũng như các bộ phận khác của cơ thể. Điều này đôi khi được gọi là xơ cứng động mạch hoặc xơ vữa động mạch.
Ở giai đoạn sớm, điều trị nội khoa mang lại kết quả, bệnh nhân cần tích cực điều trị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu đi kèm kết hợp với uống thuốc ức chế kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, thuốc giảm mỡ máu nhóm statin và thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển.
Giai đoạn này, bệnh nhân cần nghiêm túc thay đổi lối sống, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia. Bệnh nhân cần phòng tránh tăng huyết áp bằng cách: chỉ nên ăn 3 bữa/ngày, không nên ăn vặt, tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật, nên ăn các món hấp, luộc; tránh các chất kích thích như trà, cà phê; nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa; dùng dầu thực vật thay mỡ động vật...; hạn chế ăn muối, các nước chấm mặn, các thực phẩm giàu natri như tôm khô, trứng vịt muối, chanh muối, thịt chà bông…
Bệnh nhân cũng cần tăng hoạt động thể lực: tập thể dục đều đặn vừa sức như đi bộ, bơi lội trong vòng 30 - 45 phút, 3 - 4 lần/tuần; đi xe đạp, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh...
Văn DươngBộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.