Cần Thơ: "Đô thị sinh thái" Phong Điền đã khởi động!
Kết thúc năm 2022, huyện Phong Điền đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu do HĐND huyện đề ra. Trên cơ sở thành công này, UBND huyện đã đưa ra mục tiêu trong năm tới sẽ đẩy mạnh phát triển Phong Điền thành đô thị sinh thái với nhiều chương trình hành động cụ thể. Chia sẻ mục tiêu này nhân dịp đầu năm mới, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Phóng viên: Điểm lại những thành công trong năm 2022, xin ông cho biết điều tâm đắc nhất của huyện Phong Điền là gì? Vì sao?
Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Năm 2022 là năm đầu tiên khởi động chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đây là chương trình lớn của thành phố nên huyện nông thôn Phong Điền quyết tâm khởi động toàn bộ hệ thống chính trị ngay từ đầu năm để thực hiện. Kết quả, chúng tôi đã đạt được sự kỳ vọng của HĐND huyện về 14 chỉ tiêu đã đề ra, trong đó 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chỉ tiêu vượt xa kế hoạch "đáng giá" nhất là thu ngân sách hơn 123 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đưa ra dưới 100 tỷ đồng, đạt 125,6% kế hoạch được giao.
Vì là huyện nông nghiệp nên chuyện mùa màng, nuôi trồng là cốt lõi. Đánh giá chung năm 2022, sản xuất nông nghiệp do tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững nâng cao nên bức tranh nông nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.225/1.218 tỷ đồng, trong đó diện tích sản xuất 3 vụ lúa 1.766/2.007ha, diện tích rau, màu 1.922,7/2.029 ha, diện tích cây ăn trái 8.652 ha, sản lượng thu hoạch 100.475/99.355 tấn.
Chúng tôi đã xây dựng được 5 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 44,3 ha/65 hộ, nâng tổng số toàn huyện có 24 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 286 ha, với 441 hộ; 1 mô hình GlobalGAP trồng cây vú sữa ở xã Trường Long, diện tích 16,1 ha với 12 hộ tham gia….
Sản xuất nông nghiệp luôn gắn với xây dựng nông thôn mới, vì vậy huyện đã đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu (xã Trường Long, xã Mỹ Khánh). Hiện nay, theo Đề án" Mỗi xã một sản phẩm" huyện Phong Điền được thành phố công nhận 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao gồm: Sầu riêng Tân Thới - Tổ hợp tác sản xuất Sầu riêng Tân Thới và Sợi sấy thăng hoa Đông Trùng Hạ Thảo. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố đánh giá xếp hạng và công nhận mới 3 sản phẩm khác…
Phóng viên: Năm 2023, huyện Phong Điền đặt ra mục tiêu là tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, hướng tới đô thị sinh thái. Vậy, chính quyền đã có những kế hoạch, chương trình cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Nghĩa: Chúng tôi đã đưa ra chủ đề của năm 2023 là "Chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị sinh thái" với mục tiêu tận dụng tốt mọi cơ hội để đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các lĩnh vực trọng điểm, đột phá, các dự án động lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Phát triển văn hóa, xã hội, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; chăm lo, cải thiện đời sống Nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tạo động lực thúc đẩy phát triển huyện Phong Điền theo hướng đô thị sinh thái.
Với điểm nhấn là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong năm 2022 chúng tôi đã giải ngân 181,6 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản. Riêng xây dựng giao thông nông thôn đã nâng cấp mở rộng 33 công trình hạ tầng, giao thông nông thôn chiều dài 18,4km; nâng cấp và xây dựng mới 15 cây cầu, chiều dài là 375,2m, với tổng mức đầu tư 37,8 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Với tiền đề đó, trong năm 2023 sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, các dự án, công trình thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển chung của huyện, nhất là nhu cầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng huyện trở thành đô thị sinh thái theo Nghị quyết số 07-NQ/TU của Thành ủy (Nghị quyết số 07-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ ngày 1/4/2022 về xây dựng và phát triển huyện Phong Ðiền thành đô thị sinh thái)
Ngoài phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đặt trọng tâm vào đổi mới và nâng cao chất lượng ngành du lịch địa phương. Toàn huyện hiện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa. Nhiều điểm du lịch sinh thái đã thành danh, là nơi du khách nhất định chọn lựa khi đến Cần Thơ như: KDL sinh thái Mỹ Khánh (ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh) rộng 50.000m2, vườn trái cây Chín Hồng (ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh), rộng 13.000m2, vườn trái cây sinh thái Rạch Kè (ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh), Vàm Xáng (ấp Nhơn Lộc, xã Mỹ Khánh), Giáo Dương (ấp Nhơn Lộc), Vũ Bình (xã Nhơn Ái), Ông Đề, Bà Hiệp, Lung Tràm, Cột Cầu…
Du lịch Phong Điền đang có xu hướng phục hồi mạnh mẽ sau đợt dịch với tổng lượt khách đến 1.376.500 lượt, (tăng 115% so với cùng kỳ), trong đó khách trong nước là 1.360.873 lượt, khách nước ngoài 15.627 lượt, doanh thu đạt 445,8 tỷ đồng (tăng 136% so với cùng kỳ). Trong năm, chúng tôi đã tổ chức thành công Ngày Hội du lịch sinh thái Phong Điền - Cần Thơ, lần thứ IX năm 2022.
Năm 2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái an toàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó chú ý đổi mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch; xây dựng thêm nhiều tour, tuyến mới về du lịch. Đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức theo hướng chuyên nghiệp và đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Ân - Văn Dương (thực hiện)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.